Ảnh minh họa
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ ngày 30/7, cố vấn của UNICEF, bà France Bégin cho biết việc để trẻ sơ sinh chờ đợi quá lâu trước khi được tiếp xúc với mẹ làm giảm khả năng may mắn sống sót của trẻ, hạn chế việc tạo sữa mẹ và giảm khả năng trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Bà Bégin nhấn mạnh nếu tất cả trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ từ lúc sinh ra đến khi được 6 tháng tuổi, mỗi năm thế giới sẽ có 800.000 trẻ sơ sinh được cứu sống.
Thống kê của UNICEF cũng cho thấy trong 15 năm qua, những tiến bộ đạt được trong việc tăng số tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh là không đáng kể. Tại châu Phi, nơi tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi cao nhất thế giới, tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm chỉ tăng có 10% từ năm 2000 tại miền Đông và Nam Sahara (Xa-ha-ra), và tỷ lệ này không thay đổi tại miền Tây và Trung Sahara. Ngay tại Đông Nam Á, nơi tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ sớm đã tăng 3 lần trong 15 năm trở lại đây, từ 16% năm 2000 lên 45% năm 2015, thì những con số này vẫn được coi là chưa đủ khi 21 triệu trẻ sơ sinh vẫn còn phải đợi quá lâu để được bú mẹ lần đầu.
Chuyên gia UNICEF cũng giải thích rằng việc trẻ được bú mẹ lần đầu càng bị trì hoãn, nguy cơ trẻ bị tử vong trong tháng đầu đời càng cao. Cụ thể, nguy cơ tử vong trong 28 ngày đầu đời ở trẻ sơ sinh bị chậm bú mẹ từ 2-23 tiếng sau sinh tăng 40%, và nếu trẻ bị chậm bú sữa mẹ 24 tiếng, nguy cơ này là 80%.
Những thống kê của UNICEF cũng cho thấy các bà mẹ không nhận được sự trợ giúp cần thiết để bắt đầu cho con được bú ngay sau sinh ngay cả trước đó họ vừa được các nhân y tế chăm sóc trong quá trình sinh nở. Trên phạm vi toàn cầu, bà Bégin cho biết chỉ có 43% trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ. Những em bé không được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ.