NATO tố cáo quân đội Xyri bắn tên lửa Scud
Ngày 21/12, đặc phái viên Liên hợp quốc về chống các hành động diệt chủng Adama Dieng đã cảnh báo về nguy cơ những sắc tộc thiểu số tại Xyri, trong đó có cộng đồng Hồi giáo Alawites trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, bị “trả thù” trong thời điểm chiến sự leo thang ác liệt tại Xyri đã lan tới các vùng sinh sống chủ yếu của người Alawites.
Thủ đô Đamát của Xyri điêu tàn vì các cuộc giao tranh ngày 21/12/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong một thông báo từ LHQ, ông Dieng lo ngại rằng nguy cơ trả thù sắc tộc là rất cao, bởi cộng đồng Alawites và các sắc tộc thiểu số khác ở Xyri đã có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Xyri và các lực lượng dân quân đồng minh của Tổng thống Assad.
Một số nhà hoạt động tại Xyri ngày 21/12 cho biết lực lượng chống đối đã áp sát Morek, một thị trấn có vị trí chiến lược thuộc tỉnh Hama miền trung Xyri, trong khi đã vây chặt ít nhất một thị trấn nữa, nơi đa số cư dân là người Hồi giáo Alawites. Các nguồn tin phe chống đối cũng xác nhận đã đánh chiếm được một số khu vực thuộc thị trấn Morek và đang phong tỏa thị trấn al-Tleisia. Morek là thị trấn nằm trên tuyến đường cao tốc nối phía phía bắc Đamát với Aleppo - mặt trận chính của cuộc xung đột hiện nay. Lực lượng chống đối muốn chiếm Morek để cắt đứt nguồn tiếp viện của chính phủ cho tỉnh Idlib ở miền bắc.
Đặc phái viên Dieng đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Xyri phải tôn trọng các điều luật quốc tế về nhân đạo và nhân quyền, theo đó cấm tấn công vào các cá nhân hay nhóm vì lý do tôn giáo hay sắc tộc, cũng như tấn công vào những thường dân không tham gia trực tiếp vào các hoạt động thù địch.
Những chiến dịch tấn công ác liệt của lực lượng chống đối tại Xyri có nguy cơ thổi bùng những căng thẳng sắc tộc vốn đã âm ỉ lâu nay do chính quyền của Tổng thống Assad, theo dòng Hồi giáo Alawite thiểu số, nắm quyền lực tại đất nước có đa số người theo dòng Hồi giáo Sunni. Ngoài hai cộng đồng này, dòng Hồi giáo Shi'ite và người Thiên Chúa giáo cũng được coi là những sắc tộc thiểu số khác đáng kể ở Xyri. Theo nhận định của các nhà điều tra thuộc cơ quan nhân quyền LHQ, xung đột tại Xyri đã mang tính chất cuộc chiến sắc tộc, bởi ngày càng có thêm nhiều thường dân nước này tìm cách tự vũ trang, trong khi dòng chiến binh nước ngoài - chủ yếu là người Sunni - từ 29 quốc gia trên thế giới đã tràn ngập các chiến trường ở Xyri.
Liên quan tới các loại vũ khí trong cuộc chiến ở Xyri, ngày 21/12, Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen đã tố cáo quân chính phủ Xyri liên tục sử dụng tên lửa Scud thế hệ mới trong cuộc kịch chiến với phe chống đối. Ông Rasmussen nói rằng các thiết bị do thám của NATO đã xác nhận hàng loạt vụ bắn tên lửa Scud của quân chính phủ Xyri tuần qua, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động này cho thấy NATO có lý do chính đáng để triển khai hệ thống tên lửa chống tên lửa Patriot tới quốc gia láng giềng của Xyri là Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tuần trước, các quan chức Mỹ và NATO đồng loạt khẳng định lần đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm qua, quân chính phủ Xyri đã sử dụng tên lửa đất đối đất Scud. Chính quyền Đamát đã bác bỏ thông tin này. Nhiều tài liệu cho biết quân đội Xyri sở hữu nhiều loại hỏa tiễn, trong đó có tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hóa học. Trong danh sách này có cả tên lửa SS-21 Scarabs và tên lửa Scud-B do Liên Xô cũ thiết kế.
Cùng ngày 21/12, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt trừng phạt hai công ty Iran bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho chính phủ Xyri, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran. Theo đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice, Công ty Yas Air và Công ty xuất nhập khẩu SAD của Iran "dính líu nghiêm trọng vào hoạt động buôn lậu vũ khí của Iran". Hai công ty này bị cáo buộc vận chuyển đạn dược, súng trường, súng máy, đạn pháo và các vũ khí khác từ Iran sang Xyri.
Trần Long