Từ một sản phẩm ban đầu được phát hiện có chứa chất DEHP, đến nay các cơ quan y tế đã phát hiện hơn 40 loại sản phẩm có chứa chất tạo đục này. Bên cạnh đó, những thông tin cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn Ecoli từ nhiều loại thực phẩm khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Hiểm họa từ thực phẩm bẩn
Những loại phụ gia thực phẩm luôn tạo ra màu sắc đẹp mắt, giữ thực phẩm tươi và dài ngày hơn, tạo mùi hương vị như thật... Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia quá phổ biến như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các loại sản phẩm chứa chất DEHP gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng liên tục được phát hiện.
Trước những thông tin về việc nhiều sản phẩm có chứa chất DEHP, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu những công ty có các sản phẩm này phải khai báo và tự kiểm nghiệm chỉ tiêu DEHP. Trong khoảng một thời gian ngắn, nhiều công ty đã tiến hành thu hồi một số lượng lớn các sản phẩm như rau câu, xirô, nước ép trái cây… có chứa chất DEHP.
Sử dụng nhiều chất phụ gia trong thực phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh. |
Tuy nhiên, việc thu hồi này mới chỉ dừng lại ở những đại lý, siêu thị, còn tại chợ và những điểm bán nhỏ lẻ, các loại sản phẩm này vẫn được bày bán. Cụ thể, tại chợ Bình Tây (quận 6), một số sản phẩm như rau câu vị khoai môn nhãn hiệu Taro, kẹo xốp Marshies nằm trong danh sách nhiễm DEHP vẫn có mặt ở một số cửa hàng, sạp chợ. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm nước ép trái cây, rau câu, bánh kẹo không bao bì, nhãn mắc với giá rẻ được bày bán phổ biến tại các chợ cũng không ngoại trừ khả năng bị nhiễm loại chất này.
Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm khuẩn Ecoli cũng đang đe dọa đến sức khỏe của người dân. Vi khuẩn này có nhiều trong các loại rau sống và các loại động, thực vật không rõ nguồn gốc. Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, loại vi khuẩn Ecoli đang gây dịch bệnh ở châu Âu chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường giám sát. Bởi qua thống kê, chỉ trong tháng 5 đã có 10 vụ ngộ độc thực phẩm tại 7 tỉnh với 138 người mắc, 116 người phải nhập viện cấp cứu trong đó có 4/10 vụ ngộ độc là do vi sinh vật mà chủ yếu là Ecoli.
Tăng cường giám sát
Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Chất DEHP là một loại chất hữu cơ không tan trong nước được dùng trong công nghiệp. Loại này được nghiêm cấm sử dụng trong việc chế biến thực phẩm vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các chất này có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sản xuất nên tổ chức y tế thế giới đã đưa ra tiêu chuẩn nhiễm DEHP là 8 ppt/kg thực phẩm, tiêu chuẩn của Mỹ là 6 ppt/kg thực phẩm. Bên cạnh việc kiểm tra các chất có chứa DEHP, Sở Y tế còn tăng cường giám sát dịch tễ nhằm ngăn chặn dịch bệnh Ecoli đang diễn biến phức tạp tại các nước châu Âu trong thời gian qua.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết: Trước tình hình tràn lan các sản phẩm chứa chất tạo đục DEHP, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm có nguy cơ thôi nhiễm các chất trên tự đi kiểm nghiệm và báo cáo kết quả với Sở, kể cả những sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp với thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, ông Phạm Hữu Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho rằng, Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh nên có lộ trình rõ ràng để thu hồi các sản phẩm nhiễm DEHP. Nếu hết thời gian cho lộ trình thu hồi mà đơn vị nào còn những sản phẩm trên thì phải xử lý nghiêm và phạt nặng. Trong thời gian tới, Chi cục phải kiểm tra thường xuyên tất cả các mặt hàng thực phẩm tránh tình trạng kiểm tra mang tính chất phong trào như hiện nay.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và có một quy chuẩn đúng, trong thời gian tới, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đề xuất việc đưa DEHP là chỉ tiêu theo dõi đối với phụ gia thực phẩm và một số mặt hàng có sử dụng phụ gia tạo đục và thực hiện kiểm tra chặt đối với hàng nhập khẩu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng nên nói “không” đối với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhằm tránh các loại vi khuẩn gây bệnh đặc biệt là vi khuẩn Ecoli, chúng ta cần thực hiện ăn chín uống sôi; biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm một cách đúng đắn. Đối với đồ hộp ngoài nội dung ghi nhãn cần chọn đồ hộp không bị phồng, gỉ sét, bóp méo, hở mí, rỉ nước.
Đan Phương