Hơn 50 năm qua, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, dẫu chỉ mới đang tiến từng bước một, nhưng cuộc sống của đồng bào Rục ở Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã đổi thay đáng mừng.
Những đồng lúa nước giữa rừng
Cách đây vài năm, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và xây dựng làng bản, nhưng cái bụng và cái tay vốn quen với rừng, cách mà họ cầm dao, rìu, nỏ vẫn thuận tay hơn cầm cuốc, xẻng; bàn chân đi rừng thoăn thoắt và nỗi nhớ rừng vẫn luôn thường trực trong họ. Nhiều người Rục ở Thượng Hóa vẫn chưa quen với cái cuốc, cái cày, bàn chân vẫn chưa quen lội ruộng, cái bụng vẫn chưa quen ăn cơm gạo tẻ khiến họ không ngần ngại quay về rừng. Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn, những cánh đồng lúa nước đã mọc lên giữa rừng, người Rục hết đói.
Đồng lúa của đồng bào Rục. |
Dọc đường đi, tôi gặp một bà mế già người dân tộc Rục thăm rẫy về, gùi nặng trĩu sau lưng. Dừng xe lại hỏi đường, mế bảo: “Con cứ đi... hết một quăng rạ sẽ đến làng!”. Chạm đất phía đầu làng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi trước mặt tôi trải rộng một màu xanh mát mắt. Trên nền màu xanh bình yên đó, điểm nhấn là từng cụm dân cư của làng với những ngôi nhà nho nhỏ lợp ngói khang trang.
Trước ngày được bộ đội phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, người Rục chỉ biết hái rau rừng, ăn cây dại. Cuộc sống của họ chỉ đơn thuần với việc săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt những vật phẩm có sẵn từ rừng. Trồng trọt với họ là một điều xa lạ. Bộ đội biên phòng phải xuống từng nhà, vận động từng người đi học cách trồng lúa. Sau khi đưa đồng bào ra khỏi cuộc sống trong hang, bộ đội đã phải phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn, làm cho đồng bào xem, chỉ cho mọi người cách chỉa lỗ đất tra hạt. Ruộng rẫy thì rộng nhưng đồng bào sau khi tra hạt xong là để đó mặc cho trời, thú rừng phá hoại, đến mùa chẳng thu được là bao...
Biết trồng lúa nước nên người Rục không còn lo đói. |
Trăn trở nhiều với cái đói, cái nghèo của người Rục, những người lính biên phòng ở Đồn biên phòng 585 Cà Xèng đã hết lòng, hết sức cưu mang, giúp đỡ, nhưng rồi những cơn đói lúc giáp hạt vẫn cứ đến với đồng bào không dứt ra được. Thế là một kế hoạch giải quyết cái đói cho đồng bào Rục được vạch ra. Năm 2009, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Đồn Cà Xèng khai hoang, cùng dân bản trồng thử nghiệm trên 2,5 ha.
Ông Trần Trung Trực ở bản Yên Hợp, bởi ông là người Rục đầu tiên được mời làm thử nghiệm vụ lúa nước đầu tiên và đã thành công. Rồi đến vụ thứ 2, mô hình được nhân rộng diện tích lúa nước đã được mở rộng thêm với 3 hộ ở 3 bản Ón, bản Yên Hợp và bản Mò o ồ ồ cùng tham gia. Sau gần 50 năm rời hang đá, người Rục đã tự tay làm nên những hạt lúa nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Cà Xèng. Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng 585 Cà Xèng không giấu được niềm tự hào: “Đời sống của đồng bào Rục ở đây tuy vẫn còn rất khó khăn, nhưng cây lúa nước đến được với đồng bào đã là một dấu mốc quan trọng, làm đổi thay cuộc sống của họ.
Nụ cười mùa xuân của bà mẹ người Rục. |
Bây giờ chúng tôi đã để đồng bào tự chủ động sản xuất lúa, không cần đến sự giúp đỡ của bộ đội nữa mà vẫn thu được năng suất cao, đẩy lùi đói nghèo. Diện tích lúa ở đây cho năng suất bình quân 3, 5 tấn/ ha. Đồng bào rất phấn khởi khi nhiều vụ liên tiếp đều được mùa. Đồn vẫn tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tập trung giúp bà con chuẩn bị tốt cho vụ lúa đông - xuân này!”.
Người Rục bây giờ tự tay mình làm được hạt lúa nước nên ai nấy đều vui. Bà Hồ Thị Khun (60 tuổi), ở bản Mò o ồ ồ không giấu được niềm vui: “Mệ sống gần trọn cuộc đời, chừ mới chộ (thấy) ruộng lúa nước, cái tay mệ lần đầu tiên biết trồng lúa nước. Từ trước đến nay, nhà mệ, nhà của nhiều người trong bản chỉ có rẫy sắn, rẫy ngô thôi! Người Rục sắp tới rứa là không lo đói nữa rồi!”. Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón không khỏi mừng rỡ: “Dưới sự hướng dẫn tận tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng, qua 5 mùa lúa, người Rục đã bắt đầu quen với nghề trồng lúa nước. Bây giờ nhiều gia đình người Rục đã có lúa gạo cất trữ trong nhà, không lo đói nữa rồi”. Cứ thế, bây giờ trên cánh đồng của người Rục ở xã Thượng Hóa, đồng bào đang hăng say lao động sản xuất, mong một mùa vàng bội thu và một cái Tết ấm cúng no đủ.
Đi học để biết tính toán làm ăn
Từ ngày ra khỏi hang đá, hòa nhập cộng đồng, người Rục ở Thượng Hóa không chỉ thoát nguy cơ tuyệt chủng mà còn phát triển dân số lên tới 93 hộ với 439 nhân khẩu, định cư ở 3 bản Mò o ồ ồ, Yên Hợp và bản Ón, thuộc xã Thượng Hóa. Dạy cho người dân biết làm lúa nước rồi, nhưng còn chuyện đi học, chuyện cái chữ đối với đồng bào lại là một điều nan giải. Hơn chục năm trở về trước, đồng bào Rục ở Thượng Hóa 100% mù chữ, nhưng bây giờ nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết làm tính với những con số phức tạp. Đó cũng là thành quả của cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Cà Xèng.
“Thầy giáo”, thiếu tá Trương Thanh Lưu là người góp phần lớn nhất trong thành công này. Đồng bào nơi đây vẫn quen gọi anh là “thầy Lưu”, bởi anh vừa là cán bộ cắm bản, vừa dạy cho người Rục biết đọc, biết viết, vì “thầy dạy người Rục mau tiếp thu được cái chữ nhất”.
Tuy không có kinh phí hoạt động nhưng những lớp học buổi tối cho người Rục ở Thượng Hóa vẫn thường xuyên được đồn Biên phòng Cà Xèng duy trì để dạy chữ. Lớp học của thầy Lưu vừa mở đã thu hút được 37 học sinh từ 15 đến xấp xỉ 50 tuổi. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối, vì ban ngày “học sinh” còn phải... lên rẫy. Đêm đêm, từ lớp học của thầy Lưu ở giữa bản Óng, tiếng đánh vần của học sinh cứ vang lên đều đặn. Thiếu tá Lưu chia sẻ, hồi mới mở lớp, bà con đều tỏ ra e ngại, xấu hổ vì lớn tuổi rồi mà còn đi học. Thế là anh phải đến từng nhà vận động bà con phải học cho được cái chữ Bác Hồ thì mới đẩy lùi được giặc đói và giặc dốt. Nhiều người có đời sống kinh tế khấm khá, hiểu biết xã hội là nhờ họ rất chăm chỉ học cái chữ. Nghe anh nói, bà con bắt đầu theo anh đến lớp. Giờ thì bà con đã biết tính toán làm ăn, đời sống khá hơn trước.
Những thành công ấy là sự cố gắng không biết mệt mỏi từng ngày, từng tháng của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cà Xèng. Ban đầu, có không ít trở ngại khiến các anh chạnh lòng. Nhưng các anh vẫn động viên nhau cố gắng để không phụ lòng tin của người dân. Cuối cùng, đất không phụ người, bắt đầu cho chút quả ngọt đầu mùa khi người Rục đã được đi học, đã biết trồng lúa nước. “Cái viễn cảnh hòa nhập mà chỉ dăm năm về trước chẳng ai dám nghĩ tới nay gần như hiển hiện”! Anh Lưu nói vui như thế.
Bây giờ, làng bản của người Rục đã định hình giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, các chiến sỹ đồn Biên phòng Cà Xèng níu kéo tôi ở lại bằng hình ảnh rất thơ: “Anh hãy khoan về xuôi, đêm ở làng, khi điện bật sáng, làng trở thành phố núi lung linh, huyền ảo trong sương mờ. Ở lại nghe!”. Ừ thì ở lại.
Đêm trên miền đất của người Rục từng một thời hoang vắng này, tôi hiểu hơn về “cuộc chuyển mình vĩ đại” mà những lớp người Rục bây giờ đang đi từng bước một. Dẫu chưa thấy được nhiều kết quả, nhưng tôi tin chắc rằng bằng tấm lòng và sự kiên nhẫn của bộ đội biên phòng Cà Xèng, cùng những người tâm huyết với cộng đồng, cuộc hòa nhập nơi hoang vắng này của người Rục chắc chắn sẽ thành công.
Một mùa xuân mới đang về, cộng đồng Rục nơi đây sẽ bước sang một tuổi, nhưng chắc chắn đó sẽ là một tuổi mới đầy sự kiện trọng đại, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh:Gia Ly