Người mang no ấm về bản Mông

Trong nhiều năm qua, ông Sùng Seo Chu, Trưởng bản Lùng Ác, một bản Mông xa lắc của xã Vĩnh Yên - Bảo Yên (Lào Cai) được dân bản tín nhiệm vì ông là người dẫn đường trong hành trình no ấm của dân bản.

 

Ông Sùng Seo Chu.

 

Đã bước vào tuổi 53, nước da đen xạm vì nắng gió, mái tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói của người trưởng bản Mông này rắn rỏi và say sưa khi nói chuyện về cuộc mưu sinh của bản Lùng Ác. Ông Chu cho biết: Ông đã làm trưởng bản được gần chục năm nay và được xã cùng dân bản rất tín nhiệm. Chính vì niềm tin ấy là động lực giúp ông vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một trưởng bản.


Qua ông Chu, chúng tôi được biết, Lùng Ác là bản định cư của đồng bào Mông từ năm 1981. Khi ấy, từ Bắc Quang (Hà Giang) do nhu cầu định canh định cư lâu dài nên đồng bào đã chuyển sang Lùng Ác và định cư cho đến hôm nay. Cả bản hiện có 60 hộ dân cùng sinh sống trên các sườn núi với 331 nhân khẩu. Đồng bào ở đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó canh tác trên sườn núi là chủ yếu.

 

Ông Chu kể rằng: Tập quán của người Mông là thích sống trên núi cao nên cả bản tìm lên tận đỉnh Lùng Ác để định cư. Nhưng lại rất khó khăn khi canh tác nông nghiệp. Tuy thế, người dân ở đây rất cần cù và chịu khó khai hoang đất đai để trồng cấy lúa và hoa màu. Cả bản hiện chỉ có 72 ha ruộng trồng lúa nước còn lại chủ yếu là trồng lúa nương. Biết được địa hình và khí hậu nơi đây nên ông Chu vận động dân bản đưa giống lúa séng cù đặc sản vào trồng trên các sườn đồi núi cao.

 

Đây là giống lúa chất lượng cao, giàu dinh dưỡng không chỉ để ăn mà còn bán ra thị trường. Ông Chu cho biết, năm qua, bản Lùng Ác đã bán ra thị trường hơn chục tấn lúa séng cù, nhiều hộ dân giàu lên nhờ giống lúa này.


Ông Chu nhẩm tính rằng bản Lùng Ác chỉ có cây ngô là loại cây ăn đời ở kiếp với đồng bào bản ông. Cả bản có hơn 2.000 ha đất trồng ngô và sắn. Trước đây, Lùng Ác còn hoang vu, đất bỏ hoang nhiều do tập quán canh tác tạm bợ nhưng trong những năm gần đây, ông Chu đã tuyên truyền và vận động bà con người Mông phát nương làm rẫy, tận dụng tối đa những diện tích đồi núi bỏ hoang để trồng ngô, sắn và trồng vừng lạc. Đến Lùng Ác hiện nay, màu xanh phủ khắp sườn núi. Bạt ngàn là sắn, ngô, cây vừng, lạc, rau cải nương. Đó là nguồn cung cấp sản phẩm lương thực khá lớn cho dân bản. Nhiều hộ dân có thu nhập cao từ bán ngô, sắn và các sản phẩm nông nghiệp khác như lạc, đậu tương. Cây lâm nghiệp lấy gỗ ở Lùng Ác được trồng với diện tích lớn. Ông Chu đã hướng dẫn dân bản trồng cây sa mu và gỗ mỡ, bạch đàn, chẩu.


Kết hợp với trồng trọt, người dân Lùng Ác cũng tích cực chăn nuôi. Hiện tại, cả bản có gần 100 con ngựa và 284 con trâu. Dân bản còn nuôi thả hàng ngàn con gà đồi, lợn cắp nách để cải thiện và bán ra thị trường. Bà Giàng Thị Mản cho biết, trưởng bản Chu rất tận tình hướng dẫn và động viên chúng tôi chăn nuôi để cải thiện cuộc sống và bán cho thu nhập. Thời tiết của Lùng Ác cũng khá đặc biệt, quanh năm có mây mù, khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều. Đến khoảng tháng 11 là mây mù dày đặc không nhìn thấy rõ người. Vì vậy, ông Chu đã cùng dân bản đưa giống thảo quả về trồng thử trên đất Lùng Ác. Với khí hậu mát lạnh như vậy, cây thảo quả sẽ “bén duyên” vùng đất nghèo này và hứa hẹn mùa thu hoạch sắp tới.


Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bản Lùng Ác tuy ở trên núi cao nhưng đã có nhiều đổi thay để làm cho diện mạo của bản được thay đổi. Trong những buổi họp bản, ông Chu tích cực mang sách báo đến đọc cho người dân nghe về những chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước, đồng thời ông cũng thường xuyên vận động đồng bào của bản sống và làm theo những chủ trương, nghị quyết của Đảng. Ông cho biết: Bản Lùng Ác của ông là một bản Mông không hề có tình trạng truyền đạo trái phép và di cư tự do.


Để có những căn nhà vững chãi che nắng, che mưa, ông Chu đã vận động dân bản dành dụm tiền để mua những tấm phi prôxi - măng về lợp nhà. Do vậy, đến nay, bản Lùng Ác đa số đã có mái nhà kiên cố. Mỗi khi gia đình của người Mông có việc, gặp hoạn nạn, ông vận động người dân trong bản xúm vào giúp đỡ, chia sẻ. Nhờ đó, tình nghĩa trong bản luôn ấm áp.


Ông Chu cũng là người đi đầu trong việc vận động người dân xóa mù chữ. Ông cho biết: Bản ở xa trường, nhiều cháu bỏ học nhưng ông đã vận động nhiều lần nên trẻ con cũng xuống núi học chữ. Xác định học chữ là một việc làm quan trọng nên trong những cuộc họp bản và sinh hoạt văn hóa, ông Chu tích cực vận động người dân cho con em xuống núi học chữ và đi học cấp 3 cũng như học đại học.

 

Bản Lùng Ác nhiều năm nay đã có nhiều cháu đi học cấp 3 như ông Chu từng mong muốn. Muốn làm cho dân bản nghe theo, gia đình ông phải gương mẫu đi đầu. Các con của ông đều được đi học đầy đủ và học tới bậc đại học. Hiện ông có hai người con trai là Sùng Minh Thành và Sùng Dùng Bềnh đang học đại học mặc dù gia đình ông cũng tương đối khó khăn.


Người dân bản Mông luôn coi ông Chu là người dẫn lối cho họ. Có những gì khó khăn là họ tìm đến ông để hỏi han, tư vấn. Chị Vàng Thị Sống (37 tuổi) kể rằng: “Chu nó nhiệt tình lắm, lại thương dân bản nữa, việc gì cũng giúp”.


Với sự cố gắng và nỗ lực làm hết trách nhiệm của một trưởng bản, trong những năm qua, bản Mông Lùng Ác đã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, đời sống văn hóa trong bản ngày một nâng lên, bản Lùng Ác nhiều năm liền đạt bản văn hóa và được tặng giấy khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân ông Chu cũng được cấp trên như UBND xã Vĩnh Yên, UBND huyện Bảo Yên, Hội nông dân, UBND tỉnh Lào Cai tặng nhiều giấy khen ghi nhận những đóng góp của ông.


Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN