Người Êđê cầu mùa

Người Êđê có hệ thống lễ hội phong phú, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp có rất nhiều loại lễ: lễ khi làm đất, lễ khi làm rẫy và thu hoạch lúa rẫy, lễ cúng thần gió, lễ cúng thần cào cỏ, lễ trỉa lúa, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa vào kho… Bên cạnh đó còn nhiều lễ khác như: lễ cúng bến nước, lễ cầu no đủ, lễ rước kpan, lễ năm mới, lễ lên nhà mới…

Hệ thống lễ hội nông nghiệp của đồng bào Êđê được tiến hành suốt cả một mùa rẫy (từ tháng 3 cho đến hết tháng 12 hàng năm), thể hiện phong tục, tập quán trong canh tác nương rẫy, tạ ơn các vị thần linh của núi rừng và cầu mong một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, buôn làng bình yên, giàu đẹp.

Trình diễn nghi thức trỉa lúa.



Lễ cầu mùa (kăm buh) là một nghi lễ rất quan trọng của người Êđê: Đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới đã bắt đầu, với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt; thóc lúa đầy kho, săn bắt may mắn. Sự no đủ của cộng đồng là điều mọi người đều mong mỏi. Chính vì lẽ đó mà mọi gia đình trong buôn chuẩn bị rất kỹ trước khi tiến hành lễ cúng, và đây là lễ cúng của cả buôn vào trước vụ trỉa lúa rẫy.

Trước nghi lễ, cả buôn chuẩn bị các vật dụng dưới dạng mô hình, thường được đục, đẽo, ghép từ gỗ: kho lúa (ước mơ no đủ); thần trời, ma ác (biểu trưng cho các thế lực thiên nhiên); khiên và đao (để xua đuổi tà ma); trâu, lợn rừng, nhím, mõ đuổi chim, tổ ong (ước săn bắt, hái lượm, thu hoạch được nhiều sản vật từ rừng). Bên cạnh đó là các nông cụ như chiếc cào gom cỏ, đôi gậy chọc lỗ và ống đựng thóc giống (để thực hiện nghi thức trỉa lúa). Ché rượu cúng dựa vào cây cột lễ trang trí theo tập tục.

Cột lễ.



Lễ cúng diễn ra, người chủ lễ đứng trước các mô hình, khấn vái trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, ma ác bị triệt diệt, chim chóc không phá hoại mùa màng, thần trời ban cho lúa đầy kho, cho thịt thú rừng đầy nhà.

Lời khấn thực hiện dưới dạng bài ca cầu mùa:

“Hỡi yang Tơ Lua!
Hỡi yang Kbua Lan!
Nước uống người tạo
Cây trồng người gây
Con cái ta đây
Người ban cho nối dây giống dòng
Này đây hai chiếc gùi ta dâng
Thần bà, thần ông hãy nhận
Cho nhà ta ở lành
Cho buôn ta ăn yên…”.

Lời khấn thể hiện mong mọi thành viên trong cộng đồng buôn làng được khỏe mạnh, ai cũng thỏa được ước mơ trong cuộc sống, trong lao động sản xuất:

“Mong cho buôn làng mạnh khỏe
Mong cho những chàng trai trẻ
Mong cho nội ngoại anh em
Mong cho con gái đàn bà
Mong cho kẻ lên rừng hái quả
Mong cho người lên non chặt cành
Mong kẻ kiến vàng đi bắt
Mong người đặt đó, đơm lờ…
Thảy thảy thỏa dạ ước mơ…”.



Trong lời khấn, chủ lễ thay mặt buôn làng bày tỏ niềm chờ mong: “Gió đông chớ nổi! Chớp giật hãy tan! Khiên đao chẳng chạm buôn làng; tê giác hoang dữ tìm đường mà xéo; cọp hung ác lánh xa, khuất nẻo; voi nga chéo cũng phải đi xuôi”.

Và ước cho mưa thuận gió hòa để công việc nương rẫy được thuận lợi:

“Ước sao được trận mưa sa
Ước sao được cả mưa rào
Cho bầu sai quả, ngô vào đỏ tươi…”.
Cùng mọi sản xuất nương rẫy bội thu để:
“Dựng được chòi rẫy thật to
Đựng bao nhiêu thóc đầy bồ đó đây…”.

Mọi người trong buôn sau khi nghiêm cẩn thực hiện các nghi lễ cầu xin, thì cử một nhóm tiến hành nghi thức trỉa lúa xung quanh cây cột lễ. Cuối cùng, chủ lễ té nước ban phước lành, cầu mưa chống hạn.

Khi lễ cúng đã khép lại, chủ buôn mời tất cả mọi người về nhà mình ăn thịt heo, uống rượu mừng một mùa rẫy mới.

T.H
Tái hiện lễ hỏi chồng của dân tộc Ê đê

Lễ hỏi chồng cho cô gái Ê đê - Hmai Adrong đã diễn ra với sự tham dự của “hai họ” nhà trai nhà gái cùng đông đảo du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN