Người cao tuổi nên tự đo huyết áp ở nhà

Theo BS. Bùi Nguyên Kiểm (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), các biến chứng về tim, mạch, não, thận... đều có liên quan chặt chẽ tới mức huyết áp (HA). Mỗi khi HA tăng 10 - 20 mmHg sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người cao tuổi. Ngược lại, khi làm giảm được mức HA, sẽ giảm 35 - 40% tỷ lệ tai biến mạch máu não; giảm 20 - 25% tỉ lệ nhồi máu cơ tim và hơn 50% tỷ lệ bị suy tim.


Để hạn chế các bệnh có liên quan đến tăng HA, người cao tuổi nên tự đo HA tại nhà để có thông tin về mức HA hàng ngày. Để khai thác tối ưu các điểm mạnh của phương pháp này, cần tuân thủ một số hướng dẫn sau:


1. Đo HA bằng HA kế thủy ngân vẫn được coi là phương pháp tốt nhất để đánh giá số đo của HA. Nếu sử dụng HA điện tử thì cần chỉnh lại máy sau 3 tháng sử dụng.


2. Đo HA định kỳ 3 - 6 tháng/lần, đặc biệt ở những người có nguy cơ mắc các bệnh về HA (như suy tĩnh mạch, đái tháo đường...).


3. Băng quấn tay phải quấn được 80% cánh tay người được đo.


4. Mỗi lần đo ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 2 phút. Trị số HA chính xác là giá trị trung bình cộng của 2 lần đo nói trên. Nếu 2 lần đo chênh lệch nhau > 5 mmHg, cần thực hiện đo lần thứ 3 và lấy trung bình cộng của cả 3 lần đo.


Theo quy định, ở bất cứ lứa tuổi nào, người có mức HA bằng hoặc lớn hơn 140/90 mmHg thì được xem là bị tăng HA.


Hoàng Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN