Trưởng thành từ rừng núi, gắn bó với đồng tộc K’Ho, sống chết với đại ngàn…, là những cụm từ mà các đồng nghiệp vẫn dành cho bác sỹ Cill Bri, người con gái lớn lên từ vùng núi Lang Biang của huyện Lạc Dương - Lâm Đồng. Còn già làng Bon niêng Ha Bang ở xã Đưng K’Nớh thì nhận xét về Bri: “Nó là con của núi rừng nơi đây, về giúp bà con buôn làng là thuận với cái tình của rừng rồi”. Với những phóng viên chúng tôi, bác sỹ Cill Bri chỉ nói ngắn gọn: “Tôi quyết tâm về với buôn làng, với bà con vì muốn góp phần mình giúp họ thay đổi quan niệm lạc hậu về chăm sóc sức khỏe”.
Cill Bri kể rằng, chị sinh ra, lớn lên trong một gia đình K’Ho dưới chân núi Lang Biang huyền thoại. Trước đây, có những người chỉ đau bụng hay đứt tay cũng phải tìm đến thầy cúng để cúng bái, xin bùa ngải. Có nhiều người đã chết oan chỉ vì bệnh mà y học hiện đại bây giờ gọi là viêm ruột thừa, tiêu chảy cấp; nhiều phụ nữ sinh con theo kiểu "truyền thống" nên nhiễm trùng hay tai biến mà tử vong… Ước mơ đi học nghề thuốc, chữa bệnh cứu người bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của Cill Bri. Trong thời kỳ mà bà con K’Ho ở Lạc Dương còn đói cơm, thiếu áo, gia đình Cill Bri đã phải bán cả nhà và đất ở để cho chị về Thành phố Hồ Chí Minh theo học bậc THPT tại một trường chất lượng tốt. Sự quyết tâm này đã giúp cô gái đi từ đại ngàn nhanh chóng trúng tuyển vào trường Đại học Y Dược Tây Nguyên với điểm số cao. Những năm học đằng đẵng ở giảng đường, Cill Bri không có dịp về thăm nhà vì mải miết đi làm thêm trong những dịp nghỉ lễ. Giữa năm 2002, căn nhà của bố mẹ Cill Bri ở buôn Bon Dơng vui như ngày hội với sự góp mặt của bà con đồng tộc trong buôn, cùng chứng kiến người con đầu tiên của buôn làng trở thành bác sỹ.
Chỉ một tuần lễ sau ngày ra trường, trở về buôn, Cill Bri đã tình nguyện khoác ba lô vào xã Đưng K’Nớh – xã vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất của huyện Lạc Dương để phục vụ bà con đồng tộc còn nhiều gian khó. Ngày vào Đưng K’Nớh, Cill Bri phải đưa theo cậu em trai út vào ở cùng vì vùng rừng này quá hoang vu, hẻo lánh. Tâm sự về những kỷ niệm nghề y, Cill Bri kể: “Tôi tốt nghiệp bác sỹ từ Đại học Y Tây Nguyên, không được học nhiều về chuyên khoa sản, nên ngày về đây, can thiệp sản khoa là điều ám ảnh. Phụ nữ ở Đưng K’Nớh đến ngày sinh con thường tự xoay xở trong gia đình, không ai được tới gần vì thế đã có không ít trường hợp ngày sinh con cũng là ngày tử vong của người mẹ…”. Bri kể rằng, có lần trong năm 2003, đang đêm rừng mịt mùng, một phụ nữ bị tai biến do sinh con trong tình trạng khung xương chậu quá hẹp, chị phải cầu cứu xe của đoàn công tác Huyện ủy Lạc Dương đang vào họp chuyển gấp lên tuyến trên. Bác sỹ Cill Bri lúc này cũng đã mang thai 6 tháng, đã tháp tùng xe đưa sản phụ về tận Trung tâm Y tế huyện Đam Rông nhờ can thiệp. Rất may, sáng hôm sau, mẹ con sản phụ này đã được bình yên trong niềm vui.
Ba năm gắn bó với núi rừng Đưng K’Nớh, đến cuối 2004, Cill Bri được chuyển về buôn Lán Tranh thuộc xã Lát cùng huyện vì chị sắp sinh con. Đến tháng thứ 9 của thai kỳ, nữ bác sỹ vẫn không rời buôn vùng sâu vì theo chị “ở những nơi núi rừng này, kiến thức mình học được mới thực sự thiết thân với bà con khó khăn”. Con trai đầu lòng của Cill Bri đã cất tiếng khóc chào đời ở chính buôn Lán Tranh, nơi người mẹ trẻ tâm huyết với nghề, với đồng bào K’Ho đang ngày đêm theo dõi, quan tâm tới sức khỏe của đồng bào K’Ho.
Sơn Tùng