Nhà xuất bản Hội nhà văn và Liên Việt.
“Ngược mặt trời” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Một. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh "Đất trời vần vũ", được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.
Dày 200 trang, được chia làm 23 chương, “Ngược mặt trời” thấm đẫm tinh thần Thiên chúa giáo với những câu chuyện đằng sau giám mục Bá Đa Lộc và những chỉ dụ cấm hành đạo của vua Minh Mạng. Tác giả cũng trở về đất nước Hoa Sứ Trắng để lý giải sự diệt vong của cả một quốc gia. Không gian, thời gian bị đảo lộn, hòa lẫn trong hành trình đi ngược mặt trời với nhiều nhân vật tôn giáo, nhà ngoại cảm Chín Toàn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Chạc (nhân vật chính),…
Chọn câu chuyện này và cách thể hiện không theo trình tự thời gian thông thường, phải nói ngay từ đầu rằng, “Ngược mặt trời” không hề dễ đọc. Cuốn tiểu thuyết này cũng không thể gọi là cuốn sách hấp dẫn có thể gối đầu giường đối với người đọc, nhất là người đọc trẻ nếu chỉ đọc những trang đầu tiên. Chính anh cũng khẳng định rằng: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy, bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn”.
Tuy nhiên, chính cái khó đọc, cái “rời rạc” ấy đã khiến người ta phải tò mò mà đọc xem anh muốn viết gì, muốn nói gì, muốn đưa ra thông điệp gì. Và tất nhiên phải đọc một cách đầy kiên nhẫn. Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết đã phải đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ xem Nguyễn Một định nói gì ở tiểu thuyết này. Và nhà văn cho rằng, phải chăng hành trình “Ngược mặt trời” là đi về phía bóng tối, đi về phía đêm đen của lịch sử, đi về ký ức đã bị thời gian úa vàng vùi lấp?
Nhiều người cho rằng, cách viết rời rạc của anh là một sự cách tân đối với tiểu thuyết, và làm mới đối với thể loại này. Tuy nhiên, anh thì nói rằng, khi viết “Ngược mặt trời”, anh không hề có ý định sẽ cách tân lối viết truyện của hiện tại, mà anh chỉ muốn làm sao chuyển tải nhiều thông tin nhất nhưng lại ngắn nhất nhằm hướng tới những người đọc có ít thời gian cho việc đọc sách, nhất là đọc tiểu thuyết. Và cũng bởi thế mà anh chọn lối viết không theo trình tự thời gian và được chắp nối có chủ đích những mẩu vụn rời rạc, trong đó pha trộn của thể loại truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tản văn.
Cũng theo anh, ý tưởng của “Ngược mặt trời” còn xuất hiện trước cả tiểu thuyết “Đất trời vần vũ”, chỉ có điều ở thời điểm ấy anh chưa biết cách sẽ phải chuyển tải ý tưởng đó đến độc giả như thế nào. Và với anh, dù có viết gì đi nữa thì “văn học là để chuyển tải tâm trạng đời sống chứ không phải hiện thực cuộc sống”.
Xuân Phong