Ngày 6/7, ngoại trưởng các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã bắt đầu nhóm họp tại Vienna, Áo. Động thái này diễn ra trước thời hạn chót 1 ngày để các bên đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran sau gần 13 năm nỗ lực đàm phán. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết các bên đã đạt được những tiến bộ thực sự, song cho rằng cuộc đàm phán vẫn có thể đi theo hướng khác nếu các bất đồng không được giải quyết. Ảnh: THX/TTXVN |
Hiện tại, những vấn đề gai góc đang cản trở tiến trình hoàn tất thỏa thuận lịch sử trên bao gồm tiến độ và khung thời gian dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran, khả năng phát triển các thiết bị hạt nhân trong tương lai của nước Cộng hòa Hồi giáo này và phạm vi tiếp cận các cơ sở quân sự tại Iran của các nhân viên Liên hợp quốc.
Cùng ngày, trong một tuyên bố tại Vienna, một quan chức Iran nhận định số phận của tiến trình đàm phán hạt nhân này đang nằm trong tay ngoại trưởng các nước tham gia thương lượng. Theo quan chức này, cách đây ba tháng, nhiều vướng mắc trong đàm phán hạt nhân chưa được giải quyết, song giờ đây chỉ còn vài điểm cần được ngoại trưởng các bên tháo gỡ. Quan chức Iran cho biết mặc dù quá trình đàm phán ghi nhận bước tiến, nhiều vấn đề gai góc không thể giải quyết ở các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay cấp thứ trưởng.
Liên quan việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran một khi thỏa thuận toàn diện đạt được, quan chức này cho rằng Tehran đã có nhiều bước mang tính nhượng bộ cũng như động thái mềm dẻo nhằm đáp ứng yêu cầu của các cường quốc, do đó tất cả các bên cần thể hiện thiện chí của mình.
Sau nhiều vòng thương lượng căng thẳng, hồi tháng 4 vừa qua, tại Thụy Sĩ, Iran và nhóm P5+1 đã được thỏa thuận khung, theo đó Tehran sẽ giảm tới 2/3 số lượng máy li tâm hiện có giúp sản xuất năng lượng nguyên tử và lõi bom nguyên tử, đồng thời giảm lượng kho dự trữ urani và dừng hoạt động lò phản ứng Arak của nước này. Bên cạnh đó, các bên cũng ấn định hạn chót 30/6 vừa qua cho một thỏa thuận toàn diện cuối cùng về vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế đương đại. Tuy nhiên, ngay trước hạn chót này, các bên đã nhất trí kéo dài cuộc đàm phán đến ngày 7/7. Động thái này cho thấy các chuyên gia đàm phán hạt nhân đang nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc tranh cãi dai dẳng, đồng thời cũng bộc lộ những khó khăn mới trong quá trình đàm phán.