Ngoại trưởng G-7 ra Tuyên bố về các vấn đề thế giới

Chiều 15/4 theo giờ địa phương, Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 tại thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức, đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị đã ra một Tuyên bố cuối cùng đề cập hàng loạt vấn đề nóng của thế giới bên cạnh một tuyên bố riêng về an ninh hàng hải.

Ngoại trưởng các nước G7 tại hội nghị ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bản Tuyên bố bế mạc hội nghị dày 17 trang, các ngoại trưởng G-7 đã đề cập tới 11 vấn đề nóng của thế giới, trong đó nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng Ukraine, vai trò của Nga... và vấn đề an ninh hàng hải. Tuyên bố kêu gọi Nga đóng vai trò tích cực hơn nữa trong cuộc xung đột ở Ukraine, tác động để lực lượng đòi độc lập thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk. Tuyên bố cũng kêu gọi các bên xung đột tuân thủ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng một cách có thể kiểm chứng. G-7 cũng tuyên bố ủng hộ vai trò cầu nối của Đức và Pháp nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.


Liên quan vấn đề an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G-7 đã ra một tuyên bố riêng đề cập chủ đề này. Tuyên bố An ninh hàng hải của G-7 gồm 11 điểm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong cuộc sống cũng như giao thương. Tuyên bố nhấn mạnh chỉ có thể chống lại các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải nếu có một cách tiếp cận mang tính hợp tác, phối hợp trên cơ sở pháp luật và điều phối hành động giữa các quốc gia, các khu vực và toàn cầu.


Các ngoại trưởng G-7 cũng cam kết tôn trọng trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tuyên bố tiếp tục theo dõi tình hình Biển Đông, đồng thời phản đối mọi hành động đơn phương, như khai mở đất quy mô lớn, làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng cho khu vực. G-7 cũng phản đối mạnh mẽ mọi âm mưu nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thông qua việc đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực. Các ngoại trưởng kêu gọi các bên theo đuổi biện pháp dàn xếp hoặc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, G-7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận hay các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC), trong khi ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... 


Liên quan vấn đề Iran, các ngoại trưởng G-7 hoan nghênh việc các bên cuối cùng đã khép lại cuộc tranh cãi dai dẳng kéo dài hơn 10 năm. G-7 cũng kêu gọi Tehran đóng "vai trò có trách nhiệm và xây dựng" trong khu vực, kêu gọi nước này tiếp tục hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuyên bố của các ngoại trưởng G-7 cũng đề cập tới cuộc chiến ở Yemen, chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các vấn đề tại Iraq, Syria, Libya, Afghanistan, cuộc chiến chống đại dịch Ebola, vấn đề biến đổi khí hậu và nhân quyền.



TTXVN/Tin tức

G-7 đặt điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga
G-7 đặt điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G-7) khẳng định Phương Tây chỉ có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga khi Moskva thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk (Belarus) và tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN