Nghệ nhân - người giữ di sản vô giá của dân tộc

Hàng ngàn nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” đã và đang lặng lẽ giữ gìn những di sản văn hóa vô giá của dân tộc bằng tình yêu, bằng niềm đam mê của mình, mà chưa hề nhận được sự quan tâm, đãi ngộ đúng mức. Mong muốn lớn nhất của các nghệ nhân hiện này là gì, chúng ta hãy cùng lắng nghe...

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.

 

CLB ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi - một gia đình có 7 đời gắn bó với nghệ thuật ca trù, đã gìn giữ ca trù trong những tháng ngày gian nan nhất.


Là hậu duệ của một dòng họ có nhiều ca nương, kép đàn phục vụ trong cung đình nhà Nguyễn, từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi thường theo cha (ông Nguyễn Văn Xuân - nghệ nhân đàn đáy lừng danh Bắc Hà) tham gia làm những công việc liên quan đến ca trù. Ban ngày đi học, tối tối lại theo cha đàn hát, biểu diễn khắp nơi... nên những âm thanh của tiếng trống trầu, tiếng phách, tiếng đàn đáy và những làn điệu ca trù đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Nhưng khi ông vừa đến tuổi làm nghệ thuật thì ca trù không còn chỗ đứng trong xã hội, giáo phường Thái Hà tan rã, những nghệ nhân chân chính của dòng tộc phải bỏ nghề, ra đi tìm đường kiếm sống. Bản thân ông cũng phải tìm một công việc để kiếm sống, nhưng nghĩ đến trách nhiệm với dòng họ, ông Mùi vẫn tìm mọi cách để giữ gìn nghiệp của tổ tiên.


Thế là vào những ngày giỗ trong họ, gia đình tổ chức những canh hát trong gia đình, mời những danh ca, kép đàn nổi tiếng như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc, Phó Thị Kim Đức, bà Nguyễn Thị Phẩm (Phán Huy), bà Trần Thị Ngọ, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ba và một số các nhà nghiên cứu thời ấy như Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát, Chu Hà... tham gia để ôn lại những kỷ niệm của dòng họ, qua đó giáo dục các con có trách nhiệm bảo tồn và tiếp nối truyền thống. Ông còn gửi gắm con cái đến những nghệ nhân có tiếng, động viên và hướng các con học đàn, hát ca trù để để giữ nghiệp tổ tiên. Hai người con trai là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Mạnh Tiến trở thành hai kép đàn, cô con gái Nguyễn Thị Hòa trở thành ca nương, ông cũng động viên hai con trai vào học tại Nhạc viện Hà Nội để giúp các con mở rộng thêm kiến thức về âm nhạc, góp phần bảo tồn truyền thống gia đình một cách tốt hơn.


Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về Việt Nam làm cầu nối đưa ca trù tới Pháp, gia đình ông đã có buổi biểu diễn đầu tiên ở Pháp, rồi sau đó là những chuyến lưu diễn khắp Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ... Những chuyến lưu diễn và sự trân trọng nghệ thuật ca trù đã thôi thúc gia đình ông thành lập CLB ca trù Thái Hà, với các thành viên là con cháu trong gia đình. Năm 1996, con gái của ông - ca nương Thúy Hòa được trao giải thưởng Cú sốc âm nhạc của Pháp với số lượng đĩa hát phát hành tại đất nước này lên tới 200.000 bản.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cho biết, từ khi thành lập, CLB đã có nhiều hoạt động để làm sống lại nghệ thuật ca trù, từng bước đưa ca trù trở lại như tổ chức biểu diễn hai buổi mỗi tuần ở Hàng Buồm không bán vé để những người yêu ca trù có thể tới thưởng thức và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Rồi tại phố Hàng Bồ, CLB ca trù Thái Hà còn biểu diễn đều đặn 6 buổi mỗi tuần, kéo dài khoảng 4 năm, rồi những buổi biểu diễn ở Trần Hưng Đạo, Nghi Tàm... Ở đâu, CLB cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách trong và ngoài nước.


Từ năm 2000, quỹ Ford cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn tài trợ, CLB ca trù Thái Hà đã tham gia dạy nghề cho gần 30 câu lạc bộ từ Quảng Bình trở ra, đến các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... để vực dậy ca trù. Nói đến việc ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi không khỏi tự hào: “Khi Việt Nam làm hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể, những người tham gia xây dựng hồ sơ như Giáo sư Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã đến đây, gia đình tôi đã cung cấp nhiều bài hát, nhiều làn điệu mà chỉ có trong họ tộc. Chúng tôi cũng từng đi cùng với các ông đến nhiều nơi để tìm hiểu, rồi cùng các con tham gia xây dựng những đoạn phim để trình UNESCO...”.


Đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cũng như CLB ca trù Thái Hà với ca trù vô cùng to lớn, nhưng đến nay, dù đã ở tuổi 83, cái tuổi “gần đất xa trời” như ông nói, ông mới chỉ có danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng, chứ chưa được Nhà nước tôn vinh hay có sự hỗ trợ nào. Khi được hỏi, với những đóng góp của mình cho nghệ thuật ca trù, ông có mong muốn có được một danh hiệu và sự tôn vinh xứng đáng? Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi thẳng thắn tâm sự: “Tôi giữ gìn ca trù là vì tiếc cho một loại hình nghệ thuật vô giá của dòng họ, của dân tộc, chứ không phải vì danh hiệu, vì sự hỗ trợ nào đó. Cô thấy đấy, những nghệ nhân văn hóa phi vật thể, có mấy ai sống được với nghề của mình đâu. Mặc dù vậy, Nhà nước cũng nên quan tâm, sớm có sự tôn vinh, có chính sách hỗ trợ nhất định với những người xứng đáng, đừng để các nghệ nhân như chúng tôi tủi phận, có thêm động lực, thêm niềm đam mê để truyền dạy... Và phải làm nhanh, nhất là khi những người già trong nghề ca trù chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như hiện nay, và họ đều đã cao tuổi rồi, họ sẽ không thể chờ lâu hơn nữa”.

 

Tôi giữ gìn ca trù là vì tiếc cho một loại hình nghệ thuật vô giá của dòng họ, của dân tộc, chứ không phải vì danh hiệu, vì sự hỗ trợ nào đó.


Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN