Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Ngày mới trên quê hương ATK

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - một xã nằm trong khu vực ATK, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến năm xưa. Nơi đây, 68 năm về trước đã diễn ra khởi nghĩa Thanh La - cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của khu vực miền núi phía bắc, tạo tiền đề chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Tự hào truyền thống


Theo chân đồng chí Ma Triệu Phú, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh, chúng tôi tới thăm ngôi đình Thanh La lịch sử. Tại đây, vào ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy phân khu Nguyễn Huệ, nhân dân xã Thanh La đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi và thành lập Ủy ban lâm thời Châu Tự Do - chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước vào ngày 16/3/1945. Cụ Nguyễn Văn Chiểu (thôn Niếng, xã Minh Thanh) năm nay đã 89 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ như in ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Thanh La cách đây 68 năm. Năm ấy, cụ Chiểu được giao nhiệm vụ làm lán bí mật cho các đồng chí cán bộ cấp cao, làm tuyên truyền viên và làm giao liên giữ liên lạc giữa các đồng chí cán bộ, giúp các đồng chí nắm bắt thông tin, chủ động chỉ đạo khởi nghĩa. Trong cuộc khởi nghĩa Thanh La, cụ Chiểu cũng có mặt trong đoàn quân khởi nghĩa đi giành chính quyền.


 

Cây chè giúp người dân xã Minh Thanh phát triển kinh tế bền vững.

 

Bí thư Ma Triệu Phú cho biết: Xã Minh Thanh có 36 di tích lịch sử cách mạng quan trọng như: Đình Thanh La, Nha Công an, địa điểm Bộ Nội vụ, địa điểm Bộ Tài chính... Mỗi địa điểm đều ghi dấu những năm tháng đấu tranh quật cường của dân tộc. Tự hào là quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đã vượt nhiều khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Xây dựng nông thôn mới


Đến nay, trên 90% hộ dân trong xã đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 32,5%, giảm 7% so với năm 2012. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững.

Đến xã Minh Thanh hôm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến những đồng lúa xanh mơn mởn, những ngôi nhà được xây kiên cố, đường bê tông trải dài vào tận thôn, xóm.


Chủ tịch UBND xã Minh Thanh, Nguyễn Mạnh Hứa, phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã được đầu tư xây dựng khang trang. Trong 2 năm qua, xã đã làm được gần 20 km đường giao thông nông thôn, tạo đà để phát triển kinh tế. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa được quan tâm, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được đầu tư ngày càng hiện đại. Trường học các cấp đều được công nhận chuẩn.


Cuộc sống của người dân Minh Thanh cũng đã khấm khá hơn nhiều. Trên địa bàn xã đã có hàng chục mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập hàng năm từ 60 - 80 triệu đồng, tiêu biểu như mô hình sản xuất gạch và chăn nuôi lợn của gia đình anh Nghiên Trung Tính (thôn Lê) cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm; mô hình trang trại vườn rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Quang (thôn Đồng Đon) cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm.


Xã Minh Thanh đã có bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, sức lao động hiện có. Hiện nay, diện tích lúa vụ đông của xã đạt trên 186 ha, năng suất ước đạt 66 tạ/ha/vụ, sản lượng ước đạt trên 1.200 tấn lúa. Diện tích trồng chè được xã duy trì trên 130 ha. Chính quyền và nhân dân trong xã đang tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, xã tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang các công trình kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất như đường điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp.


Phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, người dân Minh Thanh đang từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Bài và ảnh: Quang Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN