Ngày đầu kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1: Gần 200.000 thí sinh bỏ thi, 89 thí sinh bị kỉ luật

Hôm qua (4/7), hơn 650.000 thí sinh (chiếm 77% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi) đã tham dự kì thi ĐH đợt 1 với hai môn thi là Toán và Vật lí. Cả nước có 89 trường hợp thí sinh và 5 cán bộ bị xử lí kỉ luật.

Không xảy ra sự cố đáng tiếc


Báo cáo cuối ngày hôm qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Ngày thi thứ nhất đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng Quy chế.


Thí sinh làm bài thi môn Vật lí tại Hội đồng thi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 

Tình hình thời tiết tại các điểm thi khá tốt. Nắng nóng có xảy ra nhưng không quá gay gắt. Về tình hình giao thông, không xảy ra hiện tượng ùn tắc tại các thành phố lớn, hầu hết thí sinh đến dự thi đúng giờ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đáng tiếc, thí sinh đến thi muộn.


Cụ thể, tại hội đồng thi trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP Hồ Chí Minh), có 3 thí sinh đến muộn nhưng đã được sinh viên tình nguyện và cán bộ coi thi hướng dẫn vào phòng thi vì chưa quá thời gian quy định.


Nhìn chung, các Hội đồng tuyển sinh trên cả nước đã thực hiện nghiêm túc Quy chế thi tuyển sinh của Bộ. Không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trong ngày thi đầu tiên, trên phạm vi cả nước, có 89 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (trong đó, khiển trách: 12; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 73) và 5 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật ở mức khiển trách.


Về quy định của Bộ cho phép thí sinh mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi, các trường cho biết không gặp khó khăn khi triển khai quy định này. Thầy Phạm Duy Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Xây dựng Hà Nội, cho biết: Từ năm ngoái, trường đã triển khai quy định cho phép thí sinh mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi và không gặp khó khăn gì. Năm nay, nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

 

Đề Toán khó, đề Lý dài


Buổi sáng, ra khỏi phòng thi sớm 1 tiếng, thí sinh Trần Đình Duy (Mộc Châu, Sơn La), dự thi vào Khoa Cơ điện tử, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia HN) cho biết: “Em chỉ làm được câu a bài 1 rồi ra ngoài vì không làm được nữa”. Thí sinh Nguyễn Thái Tùng (THPT Cẩm Thủy 1, Thanh Hóa), dự thi khoa Công nghệ thông tin thì tự tin cho biết: “Đề có 2 câu hình học là khó, em không làm được. Em dự tính mình được khoảng 6-7 điểm”. Còn Nguyễn Thu Trang (THPT chuyên Hưng Yên) dự thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên thì cho biết, đề khá sát với chương trình học. “Câu khó nhất là câu giải hệ phương trình, còn câu dễ nhầm lẫn nhất là tọa độ trên mặt phẳng. Em làm bài khá ổn, được tầm 8 điểm”, Trang nói.


Tại hội đồng thi THPT Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh), thí sinh Nguyễn Thị Hòa (quê Đắk Lắk) lắc đầu cho biết: “Đề thi môn Toán năm nay khó quá, em không làm được nhiều nên khi giám thị cho phép thí sinh ra ngoài là em xin nộp bài và ra ngoài luôn. Em nghĩ mình chỉ được khoảng 3-4 điểm”.

 

Trong khi đó, thí sinh Hoàng Mai (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh) tại điểm thi THCS Võ Trường Toản cho hay: Nhìn chung đề thi năm nay có phần khó hơn so với mọi năm, học sinh nào phải học thật giỏi, thường xuyên giải bài tập thì mới có thể làm được bài. Trong phòng thi của Mai, có nhiều bạn không làm được, ngồi cắn bút đợi đến lúc hết giờ.


Đánh giá về đề thi môn Toán, theo thầy Trần Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (TP Hồ Chí Minh), môn toán sẽ có nhiều điểm 3, 4. Còn thầy Lại Tiến Minh (giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết, đề thi môn Toán có khả năng phân loại được lực học của thí sinh. Để đạt điểm 10 phải là học sinh xuất sắc môn Toán. Câu phân hóa thí sinh là câu 6 với yêu cầu tính giá trị nhỏ nhất. Cũng theo thầy Minh, điểm mới của đề thi năm nay là đưa phần xác suất (1 điểm) vào đề. Đây là phần mà nhiều học sinh không chú trọng bởi nằm ở phần kiến thức lớp 11.


Với môn thi Vật lí buổi chiều, nhiều thí sinh lại than thở vì đề thi dài. Thí sinh Nguyễn Lương Đức (lớp 12 Hóa, THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) dự thi vào khối A, khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngoại thương cho biết, đề thi có 50 câu nhưng thời gian không đủ để làm trọn vẹn. “Phần bài tập tính toán phức tạp, mất nhiều thời gian và khó hơn năm ngoái. Nhiều câu phần bài tập với cách ra đề hơi lạ, em chưa gặp bao giờ, ví dụ như chọn đáp án gần đúng nhất”. Thí sinh Vũ Hà Thu (THPT Trần Văn Bảo, Nam Định) dự thi vào khoa Hệ thống thông tin xử lý (ĐH Thương mại), cho biết, mình làm được khoảng 70%. Phần bài tập khá khó, nhất là phần điện.


Ghi nhận tại hội đồng thi trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, thí sinh Trương Thị Thùy Trâm, học sinh trường THPT Hoàng Diệu (quận Tân Bình), cho biết: “Đề thi có khoảng 40% là lý thuyết, khá dễ. Tuy nhiên, phần bài tập thì em bỏ gần 15 câu, chủ yếu tập trung ở phần Sóng và phần Điện. Nếu có thêm thời gian, em có thể làm được hoàn chỉnh”.


Ngày mai, các thí sinh sẽ thi môn cuối cùng. Với khối A là môn Hóa, khối A1 là Ngoại ngữ và khối V là môn Vẽ.

 

Ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã gửi thư cảm ơn tới Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết sáng ngày 3/7/2013, do mưa lớn, nhiều đoạn đường ở thành phố Thái Nguyên bị ngập lụt, gây khó khăn cho các thí sinh khi đi làm thủ tục dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Để hỗ trợ các thí sinh, tỉnh đội Thái Nguyên đã điều động xe quân dụng lội nước chở các thí sinh đến điểm thi làm thủ tục kịp thời. Việc làm này một lần nữa làm sâu đậm thêm hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ, làm thắm đậm thêm tình đoàn kết quân dân, tạo xúc động lớn trong nhân dân cả nước và thày trò ngành giáo dục chúng tôi. Thay mặt Bộ và ngành giáo dục đào tạo, tôi xin trân trọng gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí, tới các cán bộ, chiến sỹ Quân khu I và toàn quân lời cảm ơn chân thành và sâu sắc".

PV

 

Cụm thi Thái Nguyên: Thí sinh Quan Thị Thủy Minh (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), dự thi tại điểm thi Trường Đại học Y dược Thái Nguyên cho biết, đề Toán tương đối dễ và em làm được trên 70%. Còn thí sinh La Anh Trọng (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), dự thi ở điểm thi Trường Đại học Nông lâm, cho rằng, câu hỏi thuộc phần tích phân và phần thi nâng cao hơi khó và em chỉ làm được khoảng 50% bài thi.

 

Cụm thi Thừa Thiên - Huế: Sau 180 phút làm bài thi Toán, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng hồ hởi. Các em cho biết, đề thi có tính phân loại khá cao do có một số câu đòi hỏi kiến thức tổng hợp. Em Ngô Thành Long, một thí sinh dự thi vào Khoa Luật, Đại học Huế cho biết: Vì được các thầy cô ôn luyện và nắm chắc kiến thức nên em làm bài khá suôn sẻ, có thể đạt điểm 8. Môn thi đầu tiên khá ổn nên tâm trạng của em rất tốt, rất tự tin cho những môn còn lại. Còn em Nguyễn Thị Hồng, một thí sinh đến từ Quảng Trị cho biết: Cần nắm kiến thức về bất đẳng thức, phương trình, lượng giác và hình học không gian mới có thể làm được câu 3, câu 6 ở phần chung và câu 9 ở phần chương trình nâng cao.

 

Tại cụm thi của Đại học Hàng hải (Hải Phòng), có 2 thí sinh bị mất hết giấy tờ. Nhà trường đã tổ chức cấp thẻ lại ngay để các em kịp vào dự thi. Tại các trường khác, thí sinh không gặp trục trặc về giấy tờ, thẻ dự thi. Việc in, sao đề thi từ cụm thi Đại học Hàng hải Việt Nam chuyển đến 4 trường an toàn. Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi năm nay sát với chương trình học. Tại Hải Phòng, không xảy ra tắc đường trong buổi thi đầu tiên, nhiều bữa ăn trưa miễn phí đã được phát đến tận tay các thí sinh đã đăng ký. Số lượng thí sinh đăng ký suất ăn miễn phí cho buổi thi ngày 5/7 tăng do hôm nay nhiều thí sinh mới biết đến chương trình hỗ trợ này.

 

Tại Hội đồng thi ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng), có trường hợp thí sinh khuyết tật người K'Ho - K’Hoàng (quê Bình Thuận, dự thi ngành Công nghệ thông tin) phải ngồi xe lăn đến điểm thi và được giám thị cõng lên phòng thi. Thí sinh Lê Văn Tĩnh (ngụ Đức Trọng, Lâm Đồng) bị tai nạn gãy xương bàn chân trước kỳ thi, được Hội đồng thi dùng ô tô chở vào phòng thi. Riêng thí sinh K’Hoàng được xe ô tô của trường chở về tận phòng trọ. Theo Hội đồng thi Đại học Đà Lạt, buổi thi đầu tiên tại trường kết thúc an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

 

Hơn 90 chùa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ chỗ ăn nghỉ cho các thí sinh và phụ huynh. Đại đức Thích Minh Lộc, chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh), cho biết, để tạo điều kiện cho các thí sinh thi tốt, không phải lo lắng tìm nhà trọ, yên tâm đi thi, chùa đã chuẩn bị đầy đủ về vật chất, chỗ ăn ở. Hiện chùa Pháp Vân đang hỗ trợ chỗ ở cho gần 200 thí sinh và phụ huynh trong tổng số gần 8.000 chỗ ở miễn phí khắp các ngôi chùa trên địa bàn thành phố. Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều gia đình như gia đình anh Huỳnh Đức Trung (quận Gò Vấp), ông Trần Ngọc Anh (Bình Thạnh), ông Đỗ Đức Căn (quận 1), Đỗ Thị Thu (quận 6), anh Bùi Thế Thanh (Bình Thạnh)... đã hỗ trợ hàng trăm chỗ ở miễn phí cho các thí sinh hàng năm. Tại Hà Nội, chùa Bộc (quận Đống Đa) đã dành một khu cho việc đón tiếp các sĩ tử đến từ Bắc Giang. Hiện có khoảng 20 thí sinh lưu trú tại chùa.

 

TTN


Nhóm Phóng viên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN