Ngành y tế nhìn lại để phát triển

Năm 2013 thực sự là một năm đầy sóng gió của ngành y tế, bởi đã xảy ra rất nhiều sự cố y tế nghiêm trọng. Rất may là bên cạnh đó, công tác y tế vẫn lấp ló một vài điểm sáng.


Nhiều vụ việc lùm xùm


Năm 2013 là năm đầy biến động của ngành y, với rất nhiều vụ việc nghiêm trọng như: Vụ “ăn bớt" thuốc tiêm chủng của trẻ em tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm phòng vắc xin viêm gan B, "Nhân bản" xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội, phi tang xác nạn nhân tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội, một cháu bé tử vong tại phòng khám tư nhân không phép của BS Phạm Anh Sơn, Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Thường Tín... Nhiều vụ việc đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những cán bộ y tế liên quan. Thực tế đó đã bộc lộ “lỗ hổng” trong công tác quản lý, nhất là việc chủ động giám sát chất lượng nhằm ngăn ngừa sai sót của hệ thống khám chữa bệnh.

 

Bà Hoàng Thị Nguyệt, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm, đại diện cho một số cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, đứng đơn tố cáo vụ “nhân bản” xét nghiệm.Dương Ngọc – TTXVN


Theo một đại diện của Bộ Y tế, để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng nêu trên, ngoài trách nhiệm liên đới của Bộ Y tế, thì trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo các địa phương cùng các Sở Y tế quản lý trực tiếp những đơn vị trực thuộc trên địa bàn. Hiện nay, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp 38 bệnh viện, viện; đồng thời, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế...


Trả lời phỏng vấn của PV báo Tin Tức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cũng khẳng định: “Những vụ việc xảy ra gần đây có liên quan đến khâu giám sát trong chất lượng y tế, nhưng vấn đề này không đóng vai trò quyết định. Cái chính vẫn là tính chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta kiên quyết xử lý các sai phạm đến cùng, các sai phạm đó dần dần sẽ tự hết đi và các vụ việc đau lòng của ngành y tế sẽ giảm thiểu”.


Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế thì việc lơ là khâu giám sát chất lượng là yếu tố then chốt, khiến sai sót y tế có xu hướng ngày một tăng. Bởi lẽ, theo quy định, lãnh đạo các địa phương có trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, đôn đốc công tác y tế trên địa bàn; nhưng nếu địa phương lơ là thì Bộ Y tế cũng cần có cơ chế để tự phát hiện sai sót trong chuyên môn hoặc trong công tác quản lý. “Thế nhưng, thời gian qua, chính ngành y cũng lơ là công tác giám sát chất lượng, chủ động phát hiện sai sót để ngăn ngừa các sai phạm”, một chuyên gia nhận định.

 

Bệnh nhi Nguyễn Đức Khải, 1 tuổi, bị tiêu chảy, có cùng kết quả xét nghiệm với người 40 tuổi bị bệnh tâm thần. Dương Ngọc – TTXVN


Hiện nay, ngành y tế có nhiều quy trình, quy định, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm vẫn thực hiện, nhưng còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo thế hệ trẻ cũng lơi lỏng, thiếu sự rèn giũa các thao tác thực hành ngay từ khi còn là sinh viên. Khi ra trường, các y, BS trẻ dễ quen với cách làm việc “ăn bớt” quy trình chuyên môn, do hệ thống y tế chưa thực sự để tâm tới hoạt động giám sát (trừ một số ít bệnh viện mà lãnh đạo ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này). Vậy nên, sai sót trong y tế rất dễ xảy ra.


Và “lỗ hổng” trong công tác quản lý chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế tư nhân cũng tương tự. Sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng chết người, các cơ quan chức năng mới tổ chức chiến dịch kiểm tra rầm rộ. Qua đó, đã phát hiện nhiều cơ sở y tế tư nhân hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng cận lâm sàng. Một số cơ sở vì chạy theo lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân đã quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng với nội dung đã được xác nhận đăng ký, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết... Nhiều sai phạm y tế là vậy nhưng lực lượng thanh tra y tế lại rất mỏng, cả nước hiện chỉ có 290 thanh tra chuyên ngành y dược, phần lớn các tỉnh chỉ có 2 - 4 cán bộ. TP Hồ Chí Minh có số thanh tra viên nhiều nhất, 18 người, nhưng trên địa bàn lại tới 13.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Vậy nên, nếu lực lượng thanh tra có làm việc cật lực thì mỗi năm cũng chỉ kiểm tra được 50% số cơ sở đó.

Năm 2014, ngành y tế phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch, bệnh lớn xảy ra; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh...


Thực tế trên cho thấy, cho dù ngành y có kiên quyết xử lý các sai phạm đến cùng, có quy trách nhiệm đến cùng thì các sai phạm cũng không thể dần dần sẽ tự hết đi. Do đó, ngành y cần phải chấn chỉnh lại công tác giám sát chất lượng, nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa sai sót y tế trong hệ thống y tế. Đặc biệt, khi phát hiện sai sót nghiêm trọng thì cần nghiêm trị cả người quản lý kém để tạo sự răn đe. Với hệ thống y tế tư nhân, để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thanh tra, cần có cơ chế phối hợp kiểm tra giữa các tổ chức y tế trên địa bàn (y tế quận, huyện, xã, phường), nhằm chấn chỉnh ngay những cơ sở hoạt động không phép hoặc vi phạm các quy định của ngành y.


Lấp ló “điểm sáng”

 

Theo đánh giá của một số chuyên gia y tế, bên cạnh những “sóng gió”, thì năm 2013, ngành y tế cũng đã triển khai được một số hoạt động mang tính chiều sâu, có thể tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.


Trước tiên, chất lượng dịch vụ y tế cũng đã tăng lên nhờ đề án BV vệ tinh mà Bộ Y tế đang triển khai. Cho đến thời điểm này, Bộ đã triển khai 45 BV vệ tinh ở 36 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các BV vệ tinh đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, tương đương với các BV tuyến Trung ương. Đơn cử, BV đa khoa Thanh Hóa đã mổ thành công một số ca mắc bệnh tim, giúp người dân không phải chuyển tuyến. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, lấy người bệnh là đối tượng phục vụ trung tâm, việc đánh giá chất lượng bệnh viện đang được kỳ vọng là sẽ thực chất hơn nhiều so với những năm qua.


Năm 2013, tình trạng quá tải tại khu vực khám bệnh và khu vực điều trị tại một số bệnh viện đã được cải thiện bước đầu nhờ việc đưa vào hoạt động hơn 1.350 giường bệnh mới. Ngày 20/12 vừa qua, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) với quy mô 500 giường. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh mới tại khoa khám bệnh, nhằm làm giảm thời gian chờ, tạo thuận lợi cho người bệnh khi đi khám bệnh.


Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu bước đầu được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Những ngày cuối năm 2013, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án về củng cố mạng lưới y tế cơ sở để sớm trình Chính phủ. Dự kiến, sau khi Đề án này được phê duyệt, “diện mạo” của y tế cơ sở sẽ thay đổi căn bản, người dân sẽ được chăm sóc và dự phòng bệnh tốt hơn, việc giảm quá tải bệnh viện nhờ vậy sẽ đạt hiệu quả lâu dài hơn.


Để khắc phục lỗ hổng về nguồn nhân lực, nhất là ở tuyến cơ sở, từ đầu năm 2013, Bộ Y tế đã khẩn trương thực hiện Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng núi, vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo. Bên cạnh đó, Đề án 1816 tiếp tục được triển khai thực hiện với sự điều chỉnh theo hướng chuyển giao gói kỹ thuật cho tuyến dưới, chứ không đơn thuần là cử cán bộ luân phiên về tuyến dưới như trước... Năm 2013, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt và khởi động Đề án Bác sĩ gia đình với mục tiêu từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 80 mô hình bác sĩ gia đình được thành lập, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, góp phần giảm quá tải và giảm sự phiền hà cho người bệnh.


“Năm 2013, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên vẫn xảy ra một số sự cố ngoài mong muốn gây mất lòng tin trong nhân dân. Vì vậy, năm 2014, ngành y tế sẽ quyết tâm lấy lại niềm tin này bằng đạo đức nghề nghiệp. Bộ Y tế cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để dư luận hiểu đúng về ngành, kịp thời cung cấp thông tin và xử lý những tình huống khẩn cấp, tránh gây bức xúc cho dư luận”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.


Trải qua một năm đầy sóng gió, nhưng cũng đầy bận rộn với rất nhiều hoạt động, hy vọng sang năm 2014, ngành y tế sẽ vững bước phát triển.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN