Dư nợ cho vay của các ngân hàng giảm mạnh vì khó tìm được khách hàng tiềm năng, trong khi đó, lượng vốn huy động vẫn tiếp tục tăng cao. Để tránh rủi ro thanh khoản, nhiều ngân hàng đã “bán” vốn huy động để kiếm lời, dẫn đến tình trạng một số ngân hàng thích huy động hơn cho vay.
Ngại cho vay vì sợ rủi ro
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay hầu như ngân hàng nào cũng rất sợ rủi ro khi cho vay. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, chi nhánh có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm. Chỉ tính 5 tháng đầu năm, tổng dư nợ của chi nhánh gần 4.090 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguyên nhân chính là do nhiều khách hàng doanh nghiệp trong tỉnh thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động. Điều này khiến cho khách hàng tiềm năng mất đi một phần, nhưng cũng làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên. Thậm chí, có khách hàng tìm cách trốn nợ, khiến việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ngân hàng đang tích cực huy động vốn. |
Anh Trung, cán bộ tín dụng của chi nhánh một ngân hàng tại Vũng Tàu, thừa nhận: “Hơn 3 năm nay những người làm tín dụng như mình mất ăn mất ngủ vì phải lo xử lý nợ xấu”. Theo vị cán bộ này, nợ xấu với những khách hàng vay theo các chương trình ưu đãi càng khó đòi hơn vì không làm cách nào “siết” được tài sản thế chấp. Chẳng hạn, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển thủy sản, ngân hàng đã cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, sau những mùa đi biển làm ăn thất bại, nhiều ngư dân trắng tay không có tiền trả nợ. Bởi vốn cấp theo Nghị định 67 vẫn là vốn vay thương mại, lấy nguồn từ huy động trong dân nên việc cho vay cũng phải tính đến an toàn vốn.
Cũng sợ rủi ro cho vay, đặc biệt là cho vay bất động sản (BĐS), một số ngân hàng lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thống nhất với các chi nhánh trong hệ thống hạn chế cho vay gói sản phẩm này. Theo một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tại huyện Củ Chi, hạn chế cho vay các dự án BĐS là chuyện bình thường vì dễ có nợ xấu. Ngay cả gói cho vay mua nhà để ở hoặc sửa chữa nhà cũng không được ngân hàng khuyến khích dù điều này khiến cho chi nhánh không đủ chỉ tiêu tín dụng trong năm, ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh.
“Bán” vốn huy động để kiếm lợi nhuận
Để tránh rủi ro nợ xấu có thể tăng lại và hướng tới mục tiêu đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng còn ở mức dưới 3% mà NHNN đã đặt ra, nhiều ngân hàng đã giảm cho vay những ngành dễ rủi ro và tăng huy động.
Thực tế cho thấy, để thu hút vốn, thời gian qua đã có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm, đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để cạnh tranh. Chi nhánh nào huy động được nhiều sẽ bán vốn huy động cho chi nhánh khác cùng hệ thống nhưng huy động kém. “Tất nhiên, chi phí cho bán vốn phải có, và lợi nhuận từ bán vốn khoảng 2 - 3% trên tổng số vốn đã cộng lãi suất huy động. Như vậy, chi nhánh vẫn có doanh thu tốt mà không sợ rủi ro”, anh Trung tiết lộ.
Theo tiết lộ của một số ngân hàng, tình trạng này là có thật và hầu như ngân hàng nào cũng có. Bởi tùy thuộc chi nhánh và khu vực, địa phương mà ngân hàng có kế hoạch kinh doanh phù hợp với vùng miền nơi đó. Như tại TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng càng mặn mà cho vay hơn vì nơi đây kinh tế sôi động và phát triển. Tuy nhiên, với những vùng ven hoặc những tỉnh, thành có kinh tế đặc thù, không mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp thì những khoản cho vay tùy thuộc vào thời tiết lại gặp nhiều rủi ro hơn. Vì thế, những chi nhánh ngân hàng đặt ở vùng này sẽ mạnh về huy động hơn cho vay...
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường ĐH Tài Chính - Marketting (TP Hồ Chí Minh), cho rằng việc ngân hàng bán vốn huy động cho các ngân hàng cùng hệ thống hoặc khác hệ thống là chuyện bình thường do đây là nghiệp vụ kinh doanh. Nếu như cùng hệ thống thì đây chỉ là sự cân đối điều chỉnh vốn cho ngân hàng. Nếu khác hệ thống, việc bán vốn này được gọi là cho vay liên ngân hàng. Dù vậy, vẫn có sự rủi ro nếu đồng vốn không được lưu thông trong nền kinh tế.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, vẫn cần có sự quản trị tốt của ngân hàng để tránh rủi ro trong hệ thống. Bởi việc bán vốn huy động từ ngân hàng này sang ngân hàng khác với lợi nhuận cao chẳng khác nào lấy tài nguyên kinh doanh tài nguyên cả. Theo đó, các ngân hàng cần phải cân nhắc chọn nguồn vốn tiền gửi và phí tiền gửi của ngân hàng để kinh doanh. Những nguồn có chi phí thấp có thể tạo rủi ro cao cho ngân hàng và do vậy, sẽ tạo khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. Ví dụ, tài khoản tiền gửi thanh toán và tiết kiệm là hai trong những nguồn vốn rẻ nhất nhưng cũng rủi ro nhất do thường dao động và “bay hơi” nhanh nhất trong điều kiện biến động kinh tế - xã hội cũng như lãi suất.