Nâng tầm giá trị cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Trong tiếng trống, tiếng thanh la đầy thúc giục, những chú trâu tung những cú đánh hiểm hóc về phía đối phương. Khán giả hồi hộp dõi theo từng miếng đánh, dự đoán trâu nào thắng cuộc… Đó là nét đặc sắc của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng).


Bề dầy lịch sử


Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sức hút mãnh liệt, khiến người ta: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm bề/ Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”.


 

Lễ công bố quyết định Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Nghệ nhân Hoàng Đình Phúc, phường Vạn Hương (Đồ Sơn, Hải Phòng) kể: Truyền thuyết ghi lại rằng, một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một ông tiên say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Từ đó, người dân vùng đất này tổ chức lễ hội chọi trâu để cầu thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân trong vùng. Thông qua lễ hội, người ta tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã để cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh”.


Lễ hội chọi trâu diễn ra với các nghi lễ quan trọng. Mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước, sau đó là lễ rước kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm đi trình Thành Hoàng làng. Phần lễ thường diễn ra trước phần hội vài ngày. Trước đây, việc lễ tế thần diễn ra ở tất cả các giáp của tổng Đồ Sơn, với sự linh đình về vật lễ tế, cũng như các thủ tục hành lễ. Hiện tại, việc tế thần tổ chức ở từng phường xã, đa phần do các già làng làm chủ lễ, để cầu xin khí thiêng sông núi, đất trời phù hộ cho vùng biển này.


Phần hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó đặc biệt có điệu múa khai hội, do 24 thanh niên của làng chia thành hai hàng trình diễn, vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, biến hóa linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la; những âm thanh dùng để thúc giục các ông trâu thi đấu thêm phần quyết liệt.


Để tổ chức lễ hội, người Đồ Sơn phải chuẩn bị công phu từ nhiều tháng trước. Từ tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán, các làng xã họp bàn nhau mua trâu. Trâu tham gia hội thi phải được những người dày kinh nghiệm chọn lựa. Mua trâu chọi phải có tiêu chí của 16 điều tỉ mỉ về đầu, mặt, trán, tai, sừng, hàm, tóc, khoang cổ, ức, các khoáy, khung sườn, mình, chân, đuôi, bụng, bộ phận giao phối và những thói quen bộc lộ khí chất bên trong của trâu. Sau khi mua được trâu, quá trình tập luyện cũng rất công phu. Trâu phải tập chạy, lội bùn, leo núi, thích nghi với những biến đổi thời tiết, nâng cao sức chịu đựng, dẻo dai. Rồi tập cho trâu bạo dạn trước đông người và âm thanh huyên náo, màu sắc rực rỡ trong hội; cũng như đánh thức khả năng tự vệ và tiến công bằng các động tác nhử hoặc ghé trâu giữa hai bên cổng sắt.


Tối qua 12/9, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ công bố quyết định Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.

Khi giao đấu, trâu được rút mũi dây ở một khoảng cách nhất định. Chúng lao thẳng vào nhau và chiến đấu với nhiều tình huống gay cấn như vồ, đánh dập, luồn sừng, bẻ, lật ngược đối thủ. Hiểm hóc là miếng quỳ, hai chân trước gập xuống, mài mặt sát đất, day sừng lấy cánh tống hầu và miếng chọc mắt. Có những cặp đấu trong thời gian tới 40 phút. Sự dũng mãnh, ngoan cường của trâu chọi trở thành biểu tượng cho ý nguyện và khí phách của người Đồ Sơn.


Bảo vệ di sản quốc gia


Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, năm 1990, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khởi phục. Đến nay, sau 24 năm liên tục tổ chức, lễ hội không ngừng được bảo tồn, phát huy các giá trị, hoàn thiện, nâng cao về quy mô, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, giá trị văn hóa truyền thống. Bằng những nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân dân Hải Phòng, cũng như những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo vốn có của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, năm 2000, lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước. Và năm 2013, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đợt vinh danh lần này góp phần khẳng định giá trị của lễ hội mang tầm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các các nghệ nhân có nhiều công sức, thành tích trong việc phục hồi và phát triển Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng tôn vinh các giá trị kỷ lục Việt Nam trên địa bàn quận Đồ Sơn.

 

Bài và ảnh: Minh Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN