Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội ở Đồng Tháp

Sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng (2012 - 2017), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Lại Văn Bé Chín, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ về những kinh nghiệm này.

Ông Lại Văn Bé Chín (ảnh), Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Tháp.


Xin ông cho biết kết quả khái quát về chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sau 5 năm thực hiện đề án?

Thực hiện đề án của Trung ương, chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai xuống tất cả các đơn vị, đồng thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc, tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức, từ đó quan tâm, chỉ đạo, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương.


Đến nay, tín dụng chính sách trên toàn tỉnh đã tăng vượt bậc về quy mô cũng như chất lượng. Hiện tại tỉnh Đồng Tháp có 11 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nhà vượt lũ; nhà ở cho hộ nghèo; xuất khẩu lao động; thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Tổng dư nợ đến ngày 31/3/2017 là 2.694 tỷ đồng, tăng 1.021 tỷ đồng so với trước khi thực hiện đề án. Tín dụng tăng trưởng mạnh về quy mô nhưng nợ quá hạn lại giảm 27,3 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011, tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ còn 0,38%, giảm 1,98% so với thời điểm 31/12/2011.


Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được sắp xếp theo địa bàn dân cư; tinh thần trách nhiệm, chất lượng hoạt động được nâng lên; dư nợ bình quân 738 triệu/tổ (năm 2011 là 395 triệu/tổ). Hoạt động giao dịch tại xã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi; người dân đồng tình ủng hộ.


Vậy kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai đề án là gì, thưa ông?


Có được kết quả trên là do chi nhánh đã tổ chức đánh giá cụ thể những mặt được, thiếu sót, hạn chế đang tồn tại, nguyên nhân. Từ đó đề ra giải pháp, thời hạn khắc phục. Chúng tôi tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tháng ở các cấp, phát động các phong trào thi đua tháng, quý, cả năm và xét khen thưởng kịp thời.


Một yếu tố quan trọng khác đó là sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. NHCSXH cũng xác định các hội, đoàn thể đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Chi nhánh luôn tìm giải pháp thực hiện nhưng phải tạo sự đồng thuận với phương châm “chúng ta là một”.


Quan tâm giúp hội, đoàn thể hiểu rõ về nghiệp vụ cho vay của từng chương trình, nhằm giải đáp khi người dân thắc mắc trong các đợt công tác, kiểm tra, giám sát hoạt động của hội cấp dưới, tổ trưởng và hộ vay... Bên cạnh đó là phát huy vai trò của trưởng ấp, khóm, tổ TK&VV. Tham mưu cho Ban Giảm nghèo phân công trưởng ban dân ấp, khóm dự họp bình xét cho vay tại tổ TK&VV, tham gia đôn đốc thu hồi nợ.

Một buổi giao dịch lưu động của NHCSXH tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Định hướng cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới là gì, thưa ông?


Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị và các hội, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT - TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách. Duy trì chất lượng tín dụng ổn định, bền vững và tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình cho vay theo qui định của NHCSXH Trung ương.


Chi nhánh sẽ phối hợp với hội, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện tốt các chương trình cho vay để 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được vay vốn ưu đãi. Tăng trưởng dư nợ chung hàng năm khoảng 10%, trong đó tổng nợ xấu (gồm nợ quá hạn+ khoanh) dưới 0,75%. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã.


Huy động nguồn vốn ủy thác tại địa phương tăng bình quân 10 tỷ đồng/năm; tích cực vận động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân và tiền gửi từ hộ vay thông qua các tổ TK&VV. Từ đó tạo nguồn để cho các đối tượng chính sách vay, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.


Xin trân trọng cám ơn ông!

 

Ngọc Hải (thực hiện)
Siết tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản 'chạy đôn chạy đáo' huy động vốn
Siết tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản 'chạy đôn chạy đáo' huy động vốn

Doanh nghiệp bất động sản đang loay hoay tìm cách huy động vốn trước tình hình ngân hàng đang siết chặt cho vay tín dụng. Ngoài việc kêu gọi người mua nhà góp vốn cho dự án, việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn cũng được các doanh nghiệp "nhắm" tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN