Sacomreal cũng sẽ trình đại hội cổ đông vào ngày 27/4 tới để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ 7% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, Sacomreal sẽ phát hành 15.954.360 cổ phiếu cho các cổ đông. Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Sacomreal sẽ đạt khoảng 3.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, nguyên nhân chính là do áp lực từ nợ ngắn hạn và cần dòng tiền để xây dự án đúng tiến độ của các DN BĐS, nên các DN đang tìm đủ cách xoay dòng tiền.
Sacomreal phải chuẩn bị khoảng 357 tỉ đồng để trả cho các khoản nợ vay ngắn hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền phải trả nợ gần 195 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô phải tất toán số sợ hơn 126 tỉ đồng… |
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết các công ty địa ốc đang đứng trước áp lực rất lớn về dòng vốn sau khi các ngân hàng siết tín dụng. Bởi theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN, kể từ đầu tháng 1/2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%.
Theo đó, việc cho vay tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại (NHTM) được siết chặt, điều này đè nặng lên áp lực vay vốn của các DN BĐS. Do đó, các DN BĐS đua nhau tăng vốn điều lệ là tất yếu.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Luật sư – TS. Bùi Quang Tín, chỉ những DN BĐS có uy tín mới có thể tiếp tục vay được vốn NH, nhưng cũng chỉ có những NH lớn và room tín dụng cho vay BĐS vẫn còn dư địa mới có thể tiếp tục cho vay. Đối với những DN BĐS yếu kém, có “sổ đen” về lừa đảo dự án, “treo đầu dê bán thịt chó”, chậm giao nhà cho người dân thì không được NH bảo hộ cho vay.
Việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu hiện nay của các DN BĐS, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho rằng vô cùng khó để có thể huy động vốn của nhà đầu tư. Thực tế, sau một thời gian thị trường BĐS tăng trưởng trở lại sau hơn 5 năm đóng băng, nhiều dự án cũ và mới đã được tái khởi động, tung ra kéo theo đó dư nợ BĐS của các NHTM trong 3 năm qua lại tiếp tục tăng lên.
Những DN BĐS có "sổ đen" về lừa đảo dự án, khó có thể vay vốn cũng như huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu. |
Cụ thể, có 16 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên sàn có nợ đến gần 161 ngàn tỷ đồng. Chưa kể các DN BĐS chưa niêm yết và sắp niêm yết, con số nợ ngân hàng còn cao hơn. Trong khi, tổng dư nợ phải trả của các doanh nghiệp địa ốc chiếm 64% tài sản. Còn giá trị hàng tồn kho đã tăng 15%, ở mức hơn 105.000 tỉ đồng.
“Theo đó, để cổ phiếu, trái phiếu có người mua thì DN BĐS phải có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, các DN nào cũng có những “vệt đen” trên thị trường BĐS, không dính vấn đề này cũng dính vấn đề khác, nên việc phát hành trái phiếu ra thị trường cũng không dễ lấy tiền của người đầu tư”, chuyên gia Tín nói.
Nhìn các cổ phiếu BĐS lên sàn hiện nay, giá trị cổ phiếu của các công ty BĐS cũng “lèo tèo”, có DN chỉ 5.000 – 10.000 đồng/trái phiếu hoặc cổ phiếu do bị ảnh hưởng dòng tiền vay vốn NH. Chẳng hạn, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lên sàn đã lâu, nhưng giá cổ phiếu vẫn dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Những ngày gần đây, nhờ có tin tốt nên giá cổ phiếu của HAGL mới lên được hơn 10.000 đồng. Đó là chưa kể những DN BĐS chưa lên sàn hoặc mới lên sàn UPCom, giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.