Đồng Tháp đề cao vai trò nghệ nhân trong phát triển du lịch cộng đồng

Đồng Tháp xác định du lịch là mũi nhọn song hành với nông nghiệp, để địa phương phát triển "ngành công nghiệp không khói", tạo môi trường thân thiện, an toàn cho du khách đến tham quan.

Du khách trong và ngoài nước tới thưởng ngoạn sắc màu của làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong đó, lãnh đạo tỉnh quán triệt tư tưởng: Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhân dân, đặc biệt là vai trò nghệ nhân tại các làng nghề mới chính là chủ thể để phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, Đồng Tháp chọn loại hình du lịch cộng đồng làm khâu đột phá để phát triển du lịch. Tức là, cả cộng đồng đều tham gia làm du lịch, chia sẻ lợi nhuận, với tuỳ khả năng của từng hộ gia đình.

Theo đó, khách đến với loại hình du lịch tại từng làng nghề ngoài việc nghỉ ngơi thư giãn trong môi trường thiên nhiên còn được trải nghiệm văn hoá bản địa, hoà mình với đời sống người dân địa phương.

Cùng với việc chú trọng phát triển nét đặc trưng ở từng làng nghề truyền thống, như: chiếu ở Định Yên, hoa kiểng Sa Đéc, quýt Lai Vung, khăn choàng Long Khánh... du khách đến Đồng Tháp sẽ có dịp đến l àng hoa Sa Đéc có truyền thống trên trăm tuổi, được trải nghiệm trong những cánh đồng hoa bạt ngàn với diện tích hơn 780 ha, có trên 2.000 loài hoa các loại được trồng quanh năm.

Cùng với đó là cảnh "trên bến dưới thuyền", không khí vận chuyển tấp nập của thương lái chở hoa đi khắp mọi miền đất nước; được chụp ảnh lưu niệm với những cổng hoa cùng các tiểu cảnh hoa trên tuyến đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao do người dân trồng hoa bày trí... Không chỉ vậy, khách du lịch còn được trải nghiệm ở làng bột Sa Đéc, được cùng những nghệ nhân làng bột sản xuất, chế biến sản phẩm từ bột gạo vốn nổi tiếng nhất nhì khu vực.

Chị Hồ Thị Hạnh, ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cho biết, khi gắn sản xuất với du lịch, cuộc sống người dân không bị xáo trộn, người nông dân vẫn lao động, sản xuất theo truyền thống. Thay đổi lớn nhất là bản thân người trồng hoa phải thay đổi tư duy từ thái độ đối với du khách đến việc bày trí để thu hút khách tham quan. Đổi lại, thu nhập tăng lên rất nhiều. Chị Hạnh chia sẻ, chỉ trong Tuần lễ du lịch từ ngày 7 - 14/1 và trước thềm Tết Nguyên đán, chị bán được hơn 2.000 giỏ hoa trong số 10.000 giỏ.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin TP Sa Đéc nêu rõ, năm 2017, để phục vụ Tuần lễ du lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu, địa phương chủ trương phát triển du lịch với điểm nhấn là "đề cao vai trò người nông dân trồng hoa, hộ dân làm bột". Theo đó, chính quyền hỗ trợ người dân trong quá trình trang trí cụm, tiểu cảnh, tuyên truyền người dân trong việc gắn sản xuất với làm du lịch. Nhờ vậy, thành phố Sa Đéc đã thu hút trên 272.000 lượt khách đến tham quan và du xuân, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Cách Sa Đéc hơn 20 km, đến với huyện Lai Vung, du khách được tận mắt chứng kiến những vườn quýt hồng trĩu quả, được tự tay thu hoạch những trái cây tận vườn, được cùng người nông dân chăm sóc cho vườn cây ăn trái. Ông Đoàn Anh Kiệt một nghệ nhân ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung trồng 5.000 m2 quýt hồng, năm 2017 là năm đầu tiên vườn của ông trở thành một trong 6 điểm tham quan, mục đích của việc mở cửa vườn quýt của ông là để quảng bá hình ảnh trái quýt hồng, góp phần nâng cao kinh tế gia đình.

Theo thống kê của phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lai Vung, việc mở cửa vườn quýt hồng để phục vụ khách tham quan qua hai năm 2015-2016 thực hiện, đến nay đã thu hút trên 26.700 lượt khách, đóng góp mỗi năm trên 3 tỷ đồng vào nên kinh tế địa phương. Riêng đối với hộ thực hiện mô hình gắn du lịch và sản xuất, thu nhập tăng thêm 200 triệu đồng/ha so với sản xuất thuần nông.


Để giúp người dân thực hiện làm du lịch có bài bản, ông Lê Quang Biểu, phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lai Vung cho biết , huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn và các buổi sinh hoạt chuyên đề phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, hút hút trên 100 học viên/buổi tham gia.

Đồng thời, cũng phát triển những sản phẩm thủ công mĩ nghệ theo đặc trưng vùng miền như sản xuất lờ lợp, đóng xuồng ghe thu nhỏ,... gắn với việc đưa du khách trải nghiệm làm nem truyền thống ở huyện Lai Vung. Đồng thời, phát triển mối liên kết giữa TP Sa Đéc - huyện Lai Vung - huyện Lấp Vò để hình thành tour tuyến du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh: Tỉnh x ác định du lịch là mũi nhọn song hành với nông nghiệp; trước hết và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững.

Các đơn vị chức năng cần quán triệt tư tưởng làm thế nào để giúp người dân, người nghệ nhân vừa có tính chủ thể trong từng sản phẩm cá nhân, vừa liên kết với các chủ thể khác để giữ gìn nét đẹp truyền thống, cùng nâng cao chất lượng môi trường sinh thái cộng đồng giúp du khách hiểu, trân trọng sản phẩm làng nghề.

Chương Đài (TTXVN)
Ý tưởng phát triển làng hoa Sa Đéc từ góc nhìn văn hoá đô thị giành giải nhất
Ý tưởng phát triển làng hoa Sa Đéc từ góc nhìn văn hoá đô thị giành giải nhất

Ngày 22/1, tại thành phố Cao Lãnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ tổng kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2016 - 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN