Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên

Ngày 26/11, tại Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên.


Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trần Đại Quang trao Bằng khen cho các đơn vị đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Trần Việt Hùng khẳng định: Đến ngày 31/10/2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong vùng đã đạt hơn 16.000 tỷ đồng, với trên 700.000 hộ còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước là 7,76%). Chất lượng tín dụng chính sách của vùng đã được cải thiện rõ rệt. Nợ quá hạn là 65 tỷ đồng, chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống NHCSXH (0,41%). Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 121.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014).

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; góp phần phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới.

Kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, NHCSXH và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần tập trung quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên, trọng tâm là Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ mới thoát nghèo. Thống nhất nhận thức việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách không chỉ là trách nhiệm của NHCSXH mà đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Văn Thông - Ngọc Tú
Thương hiệu cho cà phê,  hồ tiêu Tây Nguyên
Thương hiệu cho cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên

Theo các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm xây dựng thương hiệu chung cho cà phê, hồ tiêu để không những tăng giá trị gia tăng, mà còn sử dụng thương hiệu chung này làm công cụ để quản lý diện tích, quy hoạch vùng nguyên liệu và liên kết vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN