Lao động ngoài nước đang mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Để rõ hơn về tình hình xuất khẩu lao động trong thời gian tới, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Công Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) xung quanh vấn đề này.
Xin ông đánh giá về tình hình xuất khẩu lao động năm 2013 và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam?
Theo thống kê, tổng số lao động Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013 là 85.000 người, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và tăng khoảng 6% so với năm trước. Đạt được kết quả trên là nhờ số lao động đi làm việc tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) năm nay tăng đột biến. Tổng số lao động đi làm việc tại thị trường Đài Loan đến hết tháng 11/2013 là 41.713 người, trong đó con số này của cả năm 2012 chỉ đạt 30.533. Bên cạnh đó là sự ổn định của các thị trường lao động khác như Nhật Bản, Malaysia...
Hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước trung bình từ 2 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD, góp phần cải thiện đời sống của hàng ngàn gia đình và giúp nhiều lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
5 năm trở lại đây, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trung bình hàng năm đạt khoảng 80.000 người, đã góp phần giảm sức ép tạo việc làm trong nước. Ngoài ra, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn học hỏi được tay nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.
Giờ học ngoại ngữ tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - công nghiệp LOD. Anh Tuấn – TTXVN |
Vậy lĩnh vực ngành nghề nào mà các chủ sử dụng lao động nước ngoài có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam và có yêu cầu cụ thể như thế nào với lao động Việt Nam? Mức thu nhập họ trả ra sao, thưa ông?
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc người già, may mặc, giúp việc gia đình... và gần đây một số thị trường bắt đầu ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ tay nghề cao. Tuy nhiên, yêu cầu cụ thể của từng thị trường lại khác nhau. Ví dụ, thị trường Nhật Bản có yêu cầu khắt khe hơn về cả trình độ học vấn, tay nghề, ý thức kỷ luật và sức khỏe. Các nghiệp đoàn Nhật Bản thường sang Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn tuyển chọn người lao động.
Về thu nhập, mức thu nhập trung bình của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có thể dao động từ 300 - 2.000 USD/tháng (hơn 6 triệu đồng - hơn 40 triệu đồng), tùy thuộc vào từng ngành nghề, nước đến làm việc, cũng như trình độ tay nghề của người lao động. Ví dụ, lao động phổ thông đi làm việc tại Malaysia thu nhập khoảng 350 - 450 USD/tháng. Còn lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản thu nhập trong nhà máy sản xuất chế tạo có thể đạt tới 800 USD đến 1.500 USD/tháng.
Cơ quan chức năng có những giải pháp nào để lao động Việt Nam yên tâm khi đi lao động tại nước ngoài, thưa ông?
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Tuy nhiên, lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ văn hóa cũng như khả năng tiếp thu còn thấp. Không những thế, nhiều lao động, đặc biệt là lao động vùng dân tộc, miền núi còn có tâm lý không muốn xa gia đình, nên dù được các doanh nghiệp dịch vụ, cũng như chính quyền địa phương vận động, nhiều lao động vẫn không muốn đi làm việc ở nước ngoài, thậm chí một số còn bỏ về trong quá trình đào tạo. Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao là chính đáng, song nhiều trường hợp không quan tâm đến tiêu chuẩn khá khắt khe của thị trường đó.
Để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về những kênh đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, cung cấp những địa chỉ mà người lao động có thể liên hệ chính thống. Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo người lao động về những hành vi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép của các tổ chức, cá nhân không có chức năng. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tuyển chọn và đưa người lao động đi xuất khẩu theo các hình thức khác như du lịch.
Việt Nam đang hướng tới là đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài, vậy công tác đào tạo, tuyển dụng đang được triển khai ra sao và tập trung ở những thị trường nào, thưa ông?
Việt Nam đang thắt chặt quản lý đào tạo, giáo dục định hướng và cải tiến đào tạo nghề, chuẩn hóa giáo trình đào tạo nghề, cũng như triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo đối với doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo theo yêu cầu của đối tác tiếp nhận.
Với thị trường lao động kỹ thuật cao, Việt Nam đang hướng tới thị trường Nhật Bản và một số thị trường châu Âu. Hiện thị trường Đức và Nhật Bản đều đang thí điểm tiếp nhận các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc. Do yêu cầu khắt khe của những thị trường này, nên việc tuyển chọn lao động đi làm việc được thực hiện nghiêm chỉnh, sát sao và mất nhiều thời gian hơn. Người lao động đã được chọn cũng phải tham gia các chương trình đào tạo kéo dài hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên thu nhập tại các thị trường này cũng cao hơn hẳn các nước khác.
Đây là cơ hội rất tốt cho người lao động Việt Nam khi được làm việc ở các nước có ngành y tế phát triển. Tuy nhiên, có phát triển được nghề lao động kỹ thuật cao còn phụ thuộc vào năng lực đào tạo ngoại ngữ của chúng ta.
Ông có thể cho biết định hướng xuất khẩu lao động Việt Nam trong năm 2014 và những giải pháp để khai thác thêm thị trường mới, đồng thời duy trì, củng cố các thị trường truyền thống?
Năm 2014, chúng ta tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài. Về thị trường lao động, ta sẽ tiếp tục củng cố và duy trì thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Ngoài ra, thị trường Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới còn kéo dài, thị trường lao động quốc tế còn trầm lắng. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước phái cử lao động trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á như Philippines, Indonesia và gần đây là Myanmar, Bangladesh, Srilanca... trong khi chất lượng lao động Việt Nam chưa được nâng lên theo yêu cầu, đặc biệt là ngoại ngữ và kỷ luật. Đây là một thách thức lớn đối với hình ảnh của lao động Việt Nam trong cạnh tranh với các quốc gia phái cử khác.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tổ chức các đoàn công tác và chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu khai thác các thị trường lao động có tiềm năng và phù hợp với lao động Việt Nam để khảo sát tình hình thực tế cũng như để làm việc với cơ quan lao động tại các thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ cũng chủ động tìm kiếm, khai thác các thị trường mới thông qua việc tìm kiếm các đối tác để ký kết các hợp đồng cung ứng. Đối với những thị trường mới chưa có nhiều kinh nghiệm, Cục cũng như các doanh nghiệp có thể nhờ tới sự giúp đỡ của đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó, để thẩm định về tính hợp pháp của chủ sử dụng cũng như các điều kiện làm việc thực tế.
Xin cảm ơn ông!
Bài và ảnh: Xuân Minh