Nam Mỹ ủng hộ Ecuador trong vụ Julian Assange

Ngày 20/8, dư luận quốc tế tiếp tục có những phản ứng mạnh mẽ trước việc chính phủ Anh đe dọa tấn công Đại sứ quán Ecuador (Êcuađo) tại thủ đô Luân Đôn để bắt giữ người sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange.


 

Ngoại trưởng các nước thuộc UNASUR nhóm họp tại Guayaquil (Ecuador) để ủng hộ Êcuađo trong vụ Julian Assange.

 

Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp bất thường của Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) diễn ra cùng ngày, trong đó lên án hành động của Anh và nhấn mạnh quyền của Ecuador được cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange, đồng thời yêu cầu Luân Đôn tôn trọng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao được quy định tại Công ước Viên về quan hệ ngoại giao.


Trong khi đó, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patiño không loại trừ khả năng nước này sẽ đưa vấn đề trên lên Liên hợp quốc sau cuộc họp bất thường cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), dự kiến diễn ra vào ngày 24/8.


Trong khi đó, tối 19/8, ông Assange đã lần đầu tiên xuất hiện công khai trước truyền thông quốc tế tại ban công của Đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn, nơi ông tạm thời cư trú trong hai tháng qua.


Nhà sáng lập WikiLeaks kêu gọi Mỹ chấm dứt những gì mà ông gọi là “cuộc săn đuổi” đối với trang mạng của mình, cũng như hối thúc Oasinhtơn trả tự do cho binh nhì Bradley Manning, người bị cáo buộc cung cấp tin cho WikiLeaks. Ông Assange đồng thời cảm ơn Tổng thống Ecuador Rafael Correa và chính phủ nước này đã cấp quy chế tỵ nạn chính trị cũng như sự ủng hộ của các quốc gia Nam Mỹ dành cho ông.


Diễn biến dồn dập xung quanh vụ WikiLeaks trong những ngày gần đây có nguy cơ khiến bế tắc ngoại giao Anh - Ecuador kéo dài nhiều năm.


Ngày 17/8, Ecuador đã đồng ý trao quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange (41 tuổi, quốc tịch Ôxtrâylia), bất chấp việc Anh trước đó một ngày quyết định dẫn độ nhân vật này sang Thụy Điển để thẩm vấn về những cáo buộc xâm hại tình dục. Ông Assange đã ở trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh từ tháng 6 vừa qua và đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Ecuador với lý do bị truy bức tại nhiều nước sau khi cho công bố hàng trăm nghìn bức điện mật ngoại giao của Mỹ.


Quyết tâm thực hiện ý định dẫn độ Assange về Thụy Điển, ngày 17/8 nhà chức trách Anh đã bố trí lực lượng an ninh dày đặc bên ngoài sứ quán Ecuador, sẵn sàng bắt giữ Assange nếu ông bước chân ra cổng. Luân Đôn còn đe dọa sẽ tấn công sứ quán Ecuador nếu các nhân viên tại đây không giao nộp Assange.


WikiLeaks là trang mạng đóng tại Thụy Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố. Trang mạng này đã nhiều lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động dư luận thế giới, trong đó có những thông tin mật động trời liên quan các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Irắc và Ápganixtan. Sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ ngày 28/11/2010, WikiLeaks liên tục bị tấn công và phải thay tên miền để tiếp tục hoạt động.


Anh và Mỹ đã từ chối bảo đảm tính mạng cho nhà sáng lập WikiLeaks, trong khi Thụy Điển không chấp nhận dẫn độ nhân vật này sang một nước thứ ba. Đây là những lý do khiến Ecuador đi đến quyết định cho phép ông Assange tị nạn. Ông Assange lo ngại sau khi bị dẫn độ sang Thụy Điển có thể bị dẫn độ tiếp sang Mỹ để hầu tòa và nhận án nặng.



Hồng Hạnh (tổng hợp)

 Nhà sáng lập WikiLeaks xuất hiện trước truyền thông
Nhà sáng lập WikiLeaks xuất hiện trước truyền thông

Ông Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks đã lần đầu tiên xuất hiện công khai trước truyền thông quốc tế tại ban công của Đại sứ quán Ecuador ở London Tối 19/8. Phát biểu tại đây, ông Assange kêu gọi Mỹ chấm dứt những gì mà nhà sáng lập WikiLeaks gọi là "cuộc săn đuổi" đối với trang mạng của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN