Những năm qua, ngành Y tế Nam Định đã triển khai nhiều đề án quan trọng, bao gồm đầu tư hạ tầng và phát triển chất lượng đội ngũ y bác sỹ, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tăng vật lựcBà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho biết: Những năm qua, công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất tiếp tục được ngành Y tế Nam Định chú trọng. Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 278,05 tỷ đồng, Nam Định đã triển khai dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện huyện, thành phố và dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao - Phổi, Tâm thần, Nhi… nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định tận tình chăm sóc và động viên bệnh nhân. |
Ngành Y tế Nam Định xác định chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, không ngừng đầu tư hạ tầng, tăng cường kỹ thuật mới nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Năm 2015, ngành Y tế Nam Định tích cực triển khai tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân trong khám chữa bệnh. Theo thống kê của Sở Y tế Nam Định, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế đạt 64%, số bệnh nhân chuyển tuyến giảm.
Tại cơ sở y tế tuyến một - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam định, nhà 5 tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân. Con số 744 giường bệnh thực kê so với 630 giường dự kiến đã giúp giảm tình trạng nằm ghép. Các trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn điều trị tuyến 1. Năm 2014 là năm đánh dấu việc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) đưa vào sử dụng hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được đánh giá là triển khai sớm đối với một bệnh viện tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh Nam Định cũng triển khai kỹ thuật CT-Scanner 64 dãy để phục vụ đội ngũ y bác sỹ đắc lực hơn trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân…
Cháu Trần Quốc Tuấn, 13 tuổi ở Lý Nhân (Hà Nam) bị viêm ruột thừa nên người nhà nhanh chóng chuyển về BVĐK tỉnh Nam Định, y bác sỹ nhiệt tình, chẩn đoán và tiến hành mổ. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe cháu Tuấn đã hồi phục. Chị Trần Thị Hoa, bà ngoại cháu Tuấn cho biết: Từ huyện Lý Nhân đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam mất 40 km, còn về Nam Định chỉ mất 12 km nên người dân chúng tôi thường đi BVĐK Nam Định để khám chữa bệnh. Đưa cháu Tuấn nhập viện, các y bác sỹ rất nhiệt tình giúp đỡ chữa trị, chăm sóc, sắp xếp phòng và giường bệnh chu đáo. Tôi hài lòng về thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện.
Tinh nhân lựcBà Bùi Thị Minh Thu cho hay, trong năm qua, đội ngũ y bác sĩ tỉnh Nam Định được tham gia đào tạo theo các lớp học chính quy, sau 5 năm công tác được cử đi học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sĩ, thạc sĩ hoặc được cử đi học theo các Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh. Kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Y tế tỉnh Nam Định cũng tập trung chỉ đạo không lạm dụng thuốc, xét nghiệm, cận lâm sàng, dịch vụ kĩ thuật cao gây lãng phí cho người bệnh. Với vấn đề y đức đang được xã hội quan tâm, Sở Y tế Nam Định cũng chỉ đạo nâng cao giáo dục cho cán bộ nhân viên về y đức cũng như cách ứng xử văn minh với người bệnh, đồng thời công khai đường dây nóng tại tất cả các bệnh viện để xử lý kịp thời vướng mắc của người dân.
Bên cạnh Đề án 1816, trong năm 2014 BVĐK tỉnh Nam Định đã hoàn tất chương trình bệnh viện vệ tinh với hai bệnh viện tuyến trên là Bệnh viện Việt Đức chuyên ngoại khoa và Bệnh viện Bạch Mai chuyên nội khoa, cận lâm sàng. Đánh giá quá trình chuyển giao kỹ thuật diễn ra “rất hiệu quả”, bác sỹ Trần Minh Châu, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BVĐK tỉnh Nam Định, cho biết: Thành quả mà quá trình đào tạo mang lại là số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đông lên. Cụ thể, số bệnh nhân nội trú trong năm 2014 của bệnh viện là 35.000 người, so với 30.000 bệnh nhân của năm 2013. Một tín hiệu vui khác là số lượng bệnh nhân chuyển tuyến cũng giảm đáng kể. Nhiều trường hợp trước đây bệnh nhân phải chuyển tuyến, nay bệnh viện đã có khả năng điều trị tại chỗ.
Tại phòng chờ ở BVĐK tỉnh Nam Định, gần 12 giờ trưa nhưng một số bệnh nhân vẫn ngồi đợi đến đầu giờ chiều để khám chữa bệnh. Bà Phùng Thị Thanh, 79 tuổi ở thành phố Nam Định bị tiểu đường, huyết áp cao nên đến khám, chữa trị. Bà Thanh chia sẻ: “Mọi người đều như tôi, phải chờ đúng quy định, dù mệt nhưng xếp hàng công bằng thì mình vui và hài lòng”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng - Anh Minh