Mỹ và Triều Tiên đàm phán về hạt nhân

Ngày 23/2, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đại diện Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có cuộc hội đàm song phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc họp đầu tiên nhằm kiểm nghiệm sự sẵn sàng của Bình Nhưỡng đối với vấn đề giải trừ hạt nhân kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời hồi tháng 12/2011.
Đại diện phía Mỹ tham gia đàm phán là đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên, ông Glyn Davies, trong khi trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan.

Đặc phái viên Mỹ Glyn Davies trả lời báo giới sau buổi hội đàm đầu tiên với đại diện Triều Tiên. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phát biểu với báo giới vào cuối ngày đàm phán đầu tiên, phái viên Mỹ đánh giá cuộc gặp này là “nghiêm túc và trọng yếu”, nhưng không tiết lộ chi tiết nào. Ngày 24/2, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sẽ khó đạt được bước đột phá quan trọng.

Đây là vòng đàm phán thứ ba giữa Mỹ và Triều Tiên tại Bắc Kinh kể từ tháng 7/2011, chủ yếu nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của bốn quốc gia khác là Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự kiện này ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 12/2011 nhưng đã bị đình lại sau cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và cuộc chuyển giao quyền lực cho con trai ông là Kim Jong-Un.

Cuộc đàm phán lần này được cho là sẽ cung cấp những tín hiệu cho thấy chính phủ mới tại Triều Tiên có sẵn sàng chấp nhận những bước đi mà Oasinhtơn đề xuất nhằm tái khởi động đàm phán sáu bên hay không. Một thỏa thuận đạt được sẽ mở đường cho việc nối lại cuộc đàm phán quan trọng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sau cuộc hội đàm song phương tại Bắc Kinh, sẽ cần nhiều bước đi khác để có thể nối lại đàm phán sáu bên.

Trả lời báo chí về cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên, cũng trong ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, đối thoại là cách duy nhất để thoát khỏi bế tắc hiện nay và “Trung Quốc sẽ nỗ lực phối hợp với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như nối lại đàm phán sáu bên”.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN