Đây là lần thứ ba Mỹ nới lỏng các biện pháp phong tỏa tài chính đối với Iran kể từ ngày 10/12 năm ngoái. Đợt giải tỏa tài chính này là nằm trong thỏa thuận mới nhất hồi tháng 11/2014 với Iran, theo đó, đến thời hạn chót vào tháng 6 năm nay, nếu Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran thì Mỹ sẽ giải tỏa tổng cộng 11,9 tỷ USD.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ nay đến ngày 22/6 Iran sẽ nhận lại tổng cộng 4,9 tỷ USD, chia làm 10 lần, từ các tài khoản của nước này bị phong tỏa ở Mỹ. Theo thỏa thuận tạm thời năm 2013 với Mỹ, năm 2013 Iran đã nhận lại tổng cộng 4,2 tỷ USD từ các tài sản bị phong tỏa ở Mỹ. Năm 2014 chính quyền Barack Obama tiếp tục giải tỏa thêm 2,8 tỷ USD nhằm khuyến khích Iran tiếp tục duy trì tiến trình đàm phán cho tới tháng 11/2014.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (trái) tới dự vòng đàm phán tại Geneva ngày 18/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Việc từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa tài chính cho Iran của chính quyền Barack Obama đã bị các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa chỉ trích. Năm ngoái, ba Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa gồm Mark Kirk, Kelly Ayotte và John Cornyn đã đưa ra Thượng viện một dự luật nhằm ngăn chặn việc nới lỏng trừng phạt này, với lý do “không biết Iran sẽ sử dụng các khoản tiền được giải tỏa này” vào mục đích gì. Một nhóm các nghị sỹ, cả của đảng Cộng hòa và Dân chủ, hiện đang có kế hoạch sẽ sớm thông qua một dự luật siết chặt hơn nữa các biện pháp bao vây phong tỏa nhằm gây áp lực buộc các nhà đàm phán Iran phải nhượng bộ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama, trong bản Thông điệp Liên bang tối 20/1, một lần nữa tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết với lý do “áp đặt thêm trừng phạt vào lúc này sẽ phá hỏng các kết quả đàm phán và sẽ làm mất cơ hội có thể ngăn chặn một nước Iran có vũ khí hạt nhân”.
Đợt giải tỏa tài chính mới nhất của Mỹ được thông báo sau khi nhóm P5+1 và Iran ngày 18/1 vừa qua đã kết thúc vòng đàm phán mới kéo dài 5 ngày tại Geneva (Thụy Sỹ), tại đó Thứ trưởng Ngoại giao Iran được dẫn lời cho biết “các cuộc thảo luận diễn ra thẳng thắn và nghiêm túc” theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiễn sẽ diễn ra trong tháng Hai, nhưng thời gian và địa điểm vẫn chưa được xác định. Thời hạn chót mới cho các cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 là ngày 1/7/2015.
* Ngày 21/1, các quan chức Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao của Mỹ nói rằng bất chấp các đồn đoán, Nga vẫn chưa thực hiện các thỏa thuận đổi dầu lấy hàng hóa với Iran, hành động sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Phát biểu trong một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cho biết: "Ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại, trong khuôn khổ cuộc đàm phán, họ vẫn là một đối tác tốt". Ông Blinken và Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen cùng xác nhận rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt Nga liên quan đến hành động của nước này tại Ukraine không ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Cũng theo ông Blinken, các bên đàm phán hy vọng đạt được một thỏa thuận vào tháng 3 tới về tất cả các yếu tố trọng tâm trong thỏa thuận với Iran liên quan tới việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
TTXVN/Tin tức