Mỹ thử nghiệm chiến lược quân sự mới tại châu Phi

Hàng nghìn binh sĩ Mỹ từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan đang chuẩn bị cho những sứ mạng mới ở châu Phi như một phần của một chiến lược mới do Lầu Năm Góc xây dựng nhằm đào tạo và tư vấn cho các lực lượng bản địa tự giải quyết các nguy cơ về an ninh và khủng bố, tránh để các binh sĩ Mỹ tham gia trực tiếp.

Quân đội Mỹ đang tìm kiếm những nhiệm vụ mới trên thế giới.

Theo chương trình mới này, Mỹ sẽ điều binh sĩ từ một lữ đoàn 3.500 lính, thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 đến châu Phi để thực hiện hơn 100 sứ mạng ở châu lục này trong năm 2014. Các đơn vị có quy mô từ nhóm bắn tỉa gồm hai người ở Burundi cho tới trung đoàn gồm 350 binh sĩ tiến hành các cuộc tập trận trên không và cứu trợ nhân đạo ở Nam Phi.


Mỹ cũng đã điều một lực lượng phản ứng nhanh gồm 150 binh sĩ tới Djibouti, thuộc vùng Sừng châu Phi, nhằm bảo vệ các đại sứ quán trong các trường hợp khẩn cấp. Hành động này được xem là sự đáp trả trực tiếp đối với cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, hồi năm ngoái, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng.


Trung tá Robert E. Lee Magee, Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn đã triển khai quân tại Burundi, Niger và Nam Phi trong những tháng qua và sẽ triển khai tiếp tại Djibouti trong tháng 12 này, phát biểu: "Mục tiêu của chúng tôi là giúp người châu Phi giải quyết các vấn đề của châu lục này mà không cần sự hiện diện lớn của Mỹ".


Theo các chuyên gia chống khủng bố, các cuộc tấn công của biệt kích Mỹ mới đây chống các tổ chức khủng bố ở Libya và Somalia cho thấy mối đe dọa của các lực lượng cực đoan đang lan rộng ở châu Phi, làm tái hiện nhu cầu cấp bách phải đè bẹp các tổ chức nổi dậy từ trong trứng nước. Các nhóm quân từ lữ đoàn này đã giúp huấn luyện các lực lượng tại Kenya và Tanzania đang chiến đấu chống lại các phiến quân Shabab ở Somalia.


Lầu Năm Góc đã chọn Bộ Tư lệnh châu Phi làm cơ quan thử nghiệm cho chương trình mới này của quân đội Mỹ. Trong tương lai, chương trình này dự kiến sẽ được áp dụng cho tất cả các bộ tư lệnh của quân đội Mỹ trên toàn thế giới, kể cả tại châu Âu và Mỹ Latinh.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tướng Ray Odierno, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, cho biết mục tiêu của chương trình là nhằm triển khai các lực lượng có khả năng can dự tại tất cả các bộ tư lệnh chiến trường, nhằm duy trì và thực hiện chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.


Với các lực lượng đã rút khỏi Iraq và đang rút khỏi Afganistan, quân đội Mỹ đang tìm kiếm những nhiệm vụ mới trên thế giới. Tướng David M.Rodriguez, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi, phát biểu trước Quốc hội Mỹ: "Khi chúng ta giảm bớt sự hiện diện tại Iraq và Afghanistan, chúng ta có thể sử dụng những lực lượng này cho các hoạt động có tầm ảnh hưởng lớn tại châu Phi".


Các phái bộ từng sử dụng chủ yếu các lực lượng tác chiến đặc biệt, bao gồm cả lính mũ nồi xanh, giờ đây đang được đưa vào biên chế của những đơn vị bộ binh thường trực như Lữ đoàn Thiết giáp số 2, biệt danh là "Lữ đoàn Dao găm", tại Fort Riley, bang Kansas.


Mùa hè vừa qua, gần hai chục binh sĩ của lữ đoàn này đã được triển khai tại Niger, một quốc gia ở Tây Phi, để giúp đào tạo các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước Mali láng giềng. Bản thân quân đội Niger cũng đang cần nâng cao năng lực để đối mặt với các mối đe dọa từ Boko Haram, một nhóm vũ trang Hồi giáo có quan hệ với al - Qaeda đang hoành hành tại Nigeria và đang đe dọa các quốc gia láng giềng.


TTK (Theo Thời báo New York)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN