Mỹ: Thâm hụt ngân sách có thể vượt 1.000 tỉ USD

Thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ có thể vượt mức 1.000 tỉ USD trong năm thứ ba liên tiếp, và điều này đang gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ trong việc đạt được thỏa thuận về quản lý chi tiêu.

Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke trong phiên điều trần trước ủy ban Hạ viện. Ảnh: Xinhua/TTXVN


Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong chín tháng đầu năm của năm ngân sách 2011, tổng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã lên tới 971 tỉ USD. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết với ba tháng còn lại thì thâm hụt của cả năm hoàn toàn có thể tương ứng với mức 1.290 tỉ USD của năm 2010. Năm ngân sách hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2011.

Trong năm nay, chi tiêu của Chính phủ Mỹ tiếp tục gia tăng. Lãi suất đối với các khoản nợ quốc gia tăng 9% lên mức 386 tỉ USD trong chín tháng đầu năm. Ngoài ra, chi tiêu đối với các chương trình chăm sóc y tế và an sinh xã hội cũng tăng mạnh. Riêng trong tháng 6/2011, thâm hụt ngân sách là 43 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với mức 68 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn sự cải thiện này là do việc giảm một phần chi phí ước tính của các khoản cho vay trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng hiện Chính phủ Mỹ vẫn đang nhận nhiều hơn nguồn thu thuế trong năm nay và điều này sẽ giúp giảm bớt phần nào thâm hụt ngân sách. Nguồn thu thuế tăng 9%, tương đương 137 tỉ USD, trong tháng 6/2011.

Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Obama và Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn đang bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận về giảm chi tiêu liên bang. Các nghị sỹ Cộng hòa yêu cầu Chính phủ Mỹ phải cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ để đổi lấy việc bỏ phiếu thông qua về nâng trần vay nợ. Tổng thống Obama và các nghị sỹ Dân chủ muốn tăng thuế, trong khi đảng Cộng hòa lại phản đối mạnh mẽ điều này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã cảnh báo nếu chính quyền và Quốc hội không đạt được thỏa hiệp vào ngày 2/8, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng bị vỡ nợ.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã nói rằng FED đang chuẩn bị thực hiện các chương trình kích thích bổ sung nếu như tình trạng phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp diễn. Trong báo cáo kinh tế thực hiện hai lần mỗi năm trước Quốc hội Mỹ, ông Bernanke đã vạch ra ba giải pháp mà FED đang cân nhắc. Một trong số đó là việc FED sẽ thực hiện thêm một chương trình mua trái phiếu. Ngoài ra, FED có thể cắt giảm lãi suất chi trả cho các khoản dự trữ mà các ngân hàng đang nắm giữ như một cách khuyến khích họ cho vay nhiều hơn... Giám đốc FED nói rằng các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung sẽ chỉ cần thiết nếu như các điều kiện kinh tế trở nên xấu và tình trạng giảm phát tái xuất hiện như một mối đe dọa.

Lần gần đây nhất Mỹ đạt thặng dư ngân sách là vào năm 2001 khi nguồn thu nhiều hơn 127 tỉ USD so với tổng các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, ngay năm sau đó Mỹ lại rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách do tác động của việc cựu Tổng thống George W. Bush thông qua cắt giảm thuế mạnh mẽ và phát động cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Vào năm 2008, năm cuối cùng của chính quyền Bush, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên tới 454,8 tỉ USD - mức kỷ lục vào thời điểm đó.

Khắc Hiếu
(P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN