Mỹ tăng cường hợp tác với khu vực Maghreb

Ngày 5/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây thông báo sẽ thực hiện cuộc "Đối thoại chiến lược Mỹ - Tunisia" vào tháng 4 tới. Cuộc đối thoại thứ ba mà Mỹ thực hiện với một quốc gia vùng Maghreb (gồm Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia) cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của Washington với khu vực này. Các nhà phân tích đặt câu hỏi: Vậy ẩn ý đằng sau hành động của Mỹ là gì và tác động của những cuộc đối thoại chiến lược này ra sao?

Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô Tunis ngày 18/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông Ellen Laipson, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Washington nói rằng mục đích của những cuộc đối thoại đó là "nhằm nâng cao các mối quan hệ vượt qua khuôn khổ song phương" và tạo điều kiện cho hợp tác. Về dài hạn, những cuộc đối thoại này đã thể hiện cam kết và kỳ vọng mối quan hệ này có giá trị đối với cả hai bên trong thời gian tới. Theo ông Laipson, những cuộc đối thoại như trên có thể đảm bảo sự quan tâm hơn của Mỹ đối với khu vực Maghreb, vốn thường phàn nàn về việc bị Washington "lãng quên".


Sau các cuộc đối thoại chiến lược giữa Mỹ với Morocco và Algeria năm 2012, các cuộc đối thoại tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2013. Tuy nhiên, những cuộc đối thoại này sau đó đã bị hoãn do Ngoại trưởng Kerry phải tới Geneva để tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Ông Mark Habeeb, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Maghreb, nói: "Với những cuộc đối thoại chiến lược, Mỹ và các đối tác Bắc Phi có thể đảm bảo rằng các chính sách của họ được thống nhất, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng như chống khủng bố cũng như trong lĩnh vực kinh tế và thương mại".


Xem xét môi trường khu vực kể từ sau cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập" năm 2011 ở Bắc Phi, có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà một trong những vấn đề quan trọng nhất trong các cuộc đối thoại chiến lược giữa Mỹ với các nước Maghreb là an ninh khu vực. Tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi dậy cũng như sự bất ổn của khu vực biên giới đã tạo điều kiện cho việc phổ biến vũ khí từ Libya cũng như các điểm nóng ở Algeria và Tunisia. Các cuộc tấn công vào phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Benghazi và Tunis (tháng 9/2012) đã tạo ra những nguy cơ an ninh mới đối với Mỹ.


Theo các nhà phân tích, các thách thức an ninh ở Maghreb có thể được xem xét trong bối cảnh khu vực này mang đậm dấu ấn của những kẻ thánh chiến. Maghreb là một phần của Trung Đông cũng như một phần của châu Phi. Những xu hướng ở Maghreb đều có tác động đến khu vực Sahel cũng như các nước châu Phi cận Sahara. Cả Mỹ và các nước Maghreb đều có những lợi ích to lớn trong các cuộc đối thoại về an ninh. Ví dụ, Algeria, quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất và có kinh nghiệm nhất trong chống khủng bố ở châu Phi, đã tích cực hợp tác với Mỹ trong các chương trình chống khủng bố từ sau sự kiện 11/9/2001.


Ngoài khía cạnh an ninh, vấn đề kinh tế cũng là một chủ đề chính trong các cuộc đối thoại chiến lược nói trên. Bất chấp mối quan hệ truyền thống gần gũi với Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia vùng Maghreb đang tìm cách mở rộng các mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Có thể nói, đa dạng hóa các đối tác thương mại và kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với Morocco và Tunisia vào thời điểm khi mà nền kinh tế EU đang suy thoái.


Theo ông Laipson, thông qua các cuộc đối thoại chiến lược, các nước trong khu vực có thể nhận được sự chú ý nhiều hơn từ Washington nếu có những nỗ lực chung hoặc sẵn sàng hợp tác ở cấp độ khu vực. Tuy nhiên, để có thể có một kế hoạch xuyên Maghreb cũng như vượt qua những trở ngại còn tồn tại thì trước hết cần phải có một cuộc đối thoại chiến lược thật sự giữa các quốc gia vùng Maghreb.


Khắc Hiếu (Theo mạng tin "Al Arabiya")

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN