Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 6/4 tuyên bố kế hoạch của Mỹ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận cuối cùng liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest. |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định Mỹ sẽ chỉ nới lỏng các biện pháp bao vây phong tỏa về kinh tế nhằm vào Iran một khi đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về cách thức ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo này chế tạo bom hạt nhân.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng, quan điểm chính sách của Washington là không phải tất cả các biện pháp trừng phạt đều được dỡ bỏ trong ngày đầu tiên, mà sẽ được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào việc Tehran có nghiêm túc thực thi các thỏa thuận hay không. Ông Earnest đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ bị áp đặt lại trong trường hợp Iran vi phạm các điều khoản đã cam kết.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Obama đã bác bỏ một yêu cầu của Israel - đồng minh số một của Mỹ tại Trung Đông - về việc buộc Tehran phải công nhận Nhà nước Do Thái như một điều kiện trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức). Trả lời trên kênh tin tức NPR, Tổng thống Obama cho hay ông muốn “một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, chứ không phải nhằm thay đổi chế độ". Theo ông chủ Nhà Trắng, việc đặt điều kiện Iran phải công nhận Israel trong thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không ký thỏa thuận trừ phi bản chất của chế độ Iran hoàn toàn thay đổi và "đây là một quan điểm sai lầm căn bản".
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 5/4, Tổng thống Obama cũng đã lý giải những hoài nghi đối với thỏa thuận khung hạt nhân đạt được hôm 2/4 vừa qua với Iran, gọi văn kiện này là tiêu biểu cho một cơ hội “nghìn năm có một” để mang lại một chút ổn định cho khu vực Trung Đông, một sự ổn định mà ông cho là “sẽ tốt cho cả Israel lẫn các quốc gia khác". Ông Obama một lần nữa trấn an đồng minh Israel với tuyên bố nói rằng “sẽ là một thất bại lớn” trong 8 năm ông làm tổng thống nếu an ninh của đồng minh Israel bị tổn hại.
Ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận cuối cùng đạt được với Iran vào tháng Sáu tới “có thể mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Iran cũng như trong quan hệ của Tehran với các nước láng giềng”.
Không chỉ đối mặt với những chỉ trích từ phía đồng minh Israel, Tổng thống Obama cũng đang phải chịu sức ép từ Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hoà kiểm soát khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng này cũng bày tỏ hoài nghi với thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne, cho rằng điều này cho phép Tehran giữ lại hàng nghìn máy ly tâm, được phép tiếp tục chương trình nghiên cứu và phát triển cũng như duy trì một phòng thí nghiệm dưới mặt đất gây tranh cãi tại Fordo. Trao đổi với báo giới ngày 6/4, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nhắc lại cam kết sẽ xem xét một dự luật liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Thượng viện có kế hoạch biểu quyết vào ngày 14/4 tới về dự luật do hai Thượng nghị sĩ là Bob Corker và Bob Menendez đề xuất. Theo dự luật có tên "Đạo luật xem xét chương trình hạt nhân Iran" này, Tổng thống Obama sẽ phải trình Quốc hội mọi thỏa thuận đạt được với Tehran trong vòng 5 ngày và Quốc hội sẽ có 60 ngày để thảo luận và xem xét trước khi quyết định có phê chuẩn hay không. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chris Murphy khẳng định trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” rằng các biện pháp trừng phạt Iran - bao gồm cả những biện pháp liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo và hồ sơ nhân quyền của Tehran – sẽ tiếp tục có hiệu lực ngay cả khi thỏa thuận khung nói trên được hoàn tất.
Trước đó, sau 8 ngày đàm phán không ngừng nghỉ ở Lausanne (Thụy Sĩ), thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran đã được ký đêm 2/4, muộn 2 ngày so với thời hạn chót 31/3. Thỏa thuận đã mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc vào ngày 30/6. Theo văn bản vừa ký kết, Tehran sẽ phải cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm; đổi lại các cường quốc phương Tây sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
TTXVN/Tin tức