Ngày 14/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc CHDCND Triều Tiên chấm dứt các hành động có thể khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng và cho biết Mỹ để ngỏ khả năng ngồi vào bàn thương lượng với nước này.
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra tại đảo Yeonpyeong ngày 14/4/2013. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Fumio Kishida, Ngoại trưởng Kerry cho rằng có nhiều giải pháp mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và Mỹ lựa chọn giải pháp thương lượng. Theo ông Kerry, các bên cần phải có trách nhiệm mang lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và “lựa chọn của chúng tôi là ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra con đường mang lại hòa bình cho khu vực”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định Oasinhtơn tuyệt đối tôn trọng cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các đồng minh của mình.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida nêu rõ hai bên chia sẻ quan điểm rằng Bình Nhưỡng cần chấm dứt các hành động có thể khiến tình hình trong khu vực xấu đi và có các bước đi cụ thể thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp cấp ngoại trưởng Mỹ - Nhật diễn ra sau khi hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/4 tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào của Nhật Bản nhằm bắn hạ tên lửa Triều Tiên sẽ gây ra một cuộc chiến tranh và Nhật Bản sẽ bị “nhấn chìm trong biển lửa hạt nhân”.
Triều Tiên bác đề xuất đối thoại về Kaesong
Triều Tiên ngày 14/4 đã bác đề nghị đối thoại của Hàn Quốc về tương lai của khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời coi đó là một "tiểu xảo" chính trị. Trước đó, hôm 11/4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên "tiến tới bàn đối thoại" để khôi phục hoạt động tại khu công nghiệp này, một biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác kinh tế liên Triều.
Theo Tân Hoa Xã, trả lời phỏng vấn KCNA, một phát ngôn viên của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên của Bình Nhưỡng nhấn mạnh "đề nghị này chỉ là hành động giả dối và vô nghĩa nhằm đánh lạc hướng dư luận", đồng thời khẳng định việc Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung với Mỹ cũng như lời kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân là những trở ngại đối với việc nối lại đàm phán.
Triều Tiên đã tuyên bố rút 53.000 công nhân và đình chỉ các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong từ đầu tuần trước trong bối cảnh gia tăng căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngay lập tức, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày 14/4 tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ hơn nữa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo một phát ngôn viên của bộ này, việc Bình Nhưỡng bác bỏ đề xuất đối thoại của Xơun là phản ứng ban đầu và Hàn Quốc sẽ bám sát hơn nữa tình hình trong khu vực.
Dương Hải - TTG