Ngày 30/7, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với một loạt tổ chức và cá nhân của Nga và Ukraine, liên quan tới cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.Người dân Simferopol ngày 18/3 tham dự lễ kỷ niệm Liên hoan âm nhạc kỷ niệm 1 năm sự kiện Crimea sáp nhập Nga. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 26 cá nhân và tổ chức vào "danh sách đen" bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, đồng thời cũng cấm người Mỹ kinh doanh với những đối tượng này. Trong số đó, 13 đối tượng bị trừng phạt do "hỗ trợ" những đối tượng khác tránh các lệnh trừng phạt trước đây; 5 người là cựu quan chức Ukraine dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Ngoài ra còn có 5 người hiện là quan chức điều hành cảng và phà trên bán đảo Crimea.
Những biện pháp trừng phạt bổ sung trên được Mỹ đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Canada cũng có động thái tương tự nhằm gây áp lực với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
* EU tiếp tục hỗ trợ nông dân chịu thiệt hại từ lệnh cấm nhập khẩu của Nga Ngày 30/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp hỗ trợ các nông dân châu Âu chịu thiệt hại do Nga áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ nhiều nước châu Âu để đáp trả loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Người phát ngôn EC Mina Andreeva cho biết biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất rau và hoa quả được gia hạn kể từ tuần tới, còn chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất sữa được kéo dài kể từ ngày 1/10 tới.
Theo Ủy viên về nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan, quyết định của EU nhằm thể hiện sự đoàn kết với các nông dân chịu thiệt hại nặng nhất từ lệnh cấm nhập khẩu mà Moskva cũng đã gia hạn thêm một năm. EU cần ủng hộ các nhà sản xuất khi họ vẫn đang tiếp tục đối mặt với các khó khăn.
Ngày 24/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký gia hạn đến ngày 5/8/2016 lệnh cấm nhập khẩu ban hành ngày 7/8/2014, áp dụng cho các mặt hàng rau, quả, sữa và thịt từ Mỹ, Australia, Canada, Na Uy và EU. Theo đánh giá của EC, lệnh cấm nhập khẩu của Nga liên quan đến 4,2% tổng xuất khẩu của 28 nước thành viên EU, trị giá 5 tỷ euro.
Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nông nghiệp đối phó với lệnh cấm trên, từ ngày 17/3/2014, EC đã chi 33 triệu euro để hỗ trợ thị trường đào, 125 triệu euro hỗ trợ các nhà sản xuất rau quả có thời hạn bảo quản ngắn, thịt, sữa bột và phô mai, cũng như 30 triệu euro để kích cầu hàng nông nghiệp châu Âu.