Ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với khu vực Crimea (Crưm) thông qua việc ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa hay dịch vụ của Mỹ tới bán đảo này, đồng thời cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Tuyên bố của ông Obama có đoạn: "Sắc lệnh này nhằm giải thích rõ cho các công ty Mỹ đang kinh doanh tại khu vực này và tái khẳng định lập trường của Mỹ không chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea". Sắc lệnh này cũng cấm các các khoản đầu tư mới của Mỹ vào Crimea và cho phép Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt đối với những cá nhân và công ty đang hoạt động tại Crimea.
Cùng ngày, Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới cáo buộc Moskva hậu thuẫn phe nổi dậy ở Ukraine. Đợt trừng phạt thứ 13 này của Canada, phối hợp với các đồng minh, nhằm vào 20 chính trị gia Nga và các lãnh đạo phe li khai của Ukraine cũng như khu vực dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Trong một diễn biến khác ngày 19/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors (S&P) đã hạ bậc tín nhiệm của Ukraine xuống mức CCC- với triển vọng tiêu cực, đồng thời cảnh báo dự trữ ngoại tệ thấp đến mức nguy hiểm của Ukraine có thể khiến nước này vỡ nợ chỉ trong vòng vài tháng tới. Trong một tuyên bố, S&P nêu rõ: "Triển vọng tiêu cực này phản ánh quan điểm của chúng tôi về nguy cơ Ukraine vỡ nợ ngày càng gia tăng nếu nước này không nhận được thêm hỗ trợ tài chính". Theo S&P, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trì hoãn cung cấp viện trợ trong năm nay cùng với tình trạng dự trữ ngoại tệ chính thức của Ukraine sụt giảm mạnh sẽ làm gia tăng nguy cơ Chính phủ Ukraine không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ của họ.
Hiện chính quyền Kiev đang kêu gọi quốc tế hỗ trợ tài chính để giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, giới chủ nợ Phương Tây yêu cầu Ukraine tiến hành các biện pháp cải cách mạnh tay, đặc biệt là chống tham nhũng vốn càng khó thực hiện trong thời chiến.
TN (Theo AFP)