Giới chức Mỹ và Anh ngày 8/10 cho biết đang cân nhắc ý tưởng lập vùng đệm dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để bảo vệ an toàn cho dân thường. Thông tin này được công bố trong bối cảnh phương Tây thừa nhận cuộc chiến đấu chống lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cờ của phiến quân IS trên đồi Mishtenur, phía đông thành phố Kobane. Ảnh: AFP-TTXVN |
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tại trụ sở bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ý tưởng thiết lập vùng đệm có thể sẽ được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đồng tình với Ngoại trưởng Mỹ, người đồng cấp Anh cho biết hai nước sẽ cùng các đồng minh và đối tác nghiên cứu việc lập vùng đệm, cũng như xác định quy mô và quy chế hoạt động của khu vực đặc biệt này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, London sẽ không bác bỏ ý tưởng lập vùng đệm.
Trước đó, Phủ Tổng thống Pháp cũng ra thông báo khẳng định Tổng thống Francois Hollande ủng hộ ý tưởng lập vùng đệm cho dân thường ở khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara cũng ủng hộ việc thiết lập một khu vực an toàn và vùng cấm bay dọc biên giới với Syria để làm nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn dân thường đang phải tháo chạy khỏi sự tấn công của IS tại thành phố biên giới Kobane ở miền bắc Syria.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu một vùng đệm được thiết lập thì đây sẽ là sự chuyển hướng quan trọng của vai trò quân đội Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, việc thiết lập một vùng đệm như vậy không đơn giản vì Mỹ và các đồng minh phải trao đổi rất kỹ về vấn đề này trước khi bắt tay vào thực hiện.
Một trong những vấn đề có thể cản trở kế hoạch này là việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đóng vai trò lớn hơn trong liên minh do Mỹ lãnh đạo chống IS. Ankara cho rằng chiến dịch không kích của phương Tây khó đạt hiệu quả nếu không đi kèm với việc triển khai bộ binh và lật đổ Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad.
Dự kiến, Tướng hồi hưu John Allen, đặc phái viên của Mỹ phụ trách việc xây dựng liên minh quốc tế chống IS, sẽ có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 9 - 10/10. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, sẽ họp với các giới chức quân sự cấp cao của 20 nước tham gia liên minh chống IS vào ngày 14/10 tại căn cứ không quân Andrew ở bang Maryland.
Cũng trong ngày 8/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận tiêu diệt IS là một nhiệm vụ khó khăn. Tướng Martin Dempsey cũng nói rằng việc lần theo dấu vết của IS thực sự là một thách thức, vì lực lượng này hoạt động rất tinh vi, bài bản. Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, liên quân đã tiến hành 8 đợt không kích quanh thành phố Kobane và phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng của IS, trong đó có 5 xe quân sự và một sở kiểm soát.
Mặc dù hiện các dân quân người Kurd vẫn đang kiểm soát hầu hết thị trấn này và tiến hành các đợt phản công IS, nhưng theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tướng John Kirby,
chiến dịch không kích không đủ để cứu Kobanevà IS có thể sẽ tiếp tục đánh chiếm được thêm nhiều khu vực khác. Ông Kirby cho rằng để đánh bại được IS, Mỹ cần hợp tác với các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của các nước sở tại. Tuy nhiên, Mỹ hiện không có các đối tác như vậy tại cả Syria và Iraq.
Mỹ đang huấn luyện và vũ trang cho 5.000 tay súng đối lập tại Syria song đây sẽ là công việc mất nhiều tháng vì tất cả mới chỉ ở giai đoạn đầu. Washington được cho là đang sử dụng chiến dịch không kích để kéo dài thời gian đào tạo cho các tay súng thuộc phe đối lập "ôn hòa" ở Syria và quân chính phủ Iraq.
F-18 Australia ném bom cơ sở ISTrong một diễn biến liên quan, chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornet của Không quân Australia tối 8/10 đã ném hai quả bom vào một cơ sở của IS tại Iraq. Đây là đợt không kích đầu tiên của quân đội Australia nhằm vào IS kể từ khi bắt đầu các nhiệm vụ chiến đấu từ ngày 5/10.
Phóng viên TTXVN tại Sydney cho biết Australia sẽ tiếp tục triển khai 6 máy bay ném bom Super Hornet, 1 máy bay do thám, 1 máy bay tiếp liệu trên không, 200 lính đặc nhiệm cùng 400 nhân viên hậu cần quân sự tới Iraq để cố vấn và hỗ trợ các lực lượng bộ binh sở tại.
Cùng ngày, trong động thái nhằm tăng cường nỗ lực chống IS, chính phủ Canada cáo buộc 80 người, là công dân hoặc người đang cư trú tại Canada, có liên hệ với khủng bố. Nhà chức trách Canada cho biết 80 đối tượng trên vừa trở về từ các vùng chiến sự như Iraq và Syria.
Họ bị tình nghi âm mưu tiến hành các hoạt động khủng bố ngay tại Canada. Cơ quan an ninh Canada cho biết không phải toàn bộ 80 người trên đều tham gia chiến đấu trực tiếp trong hàng ngũ IS, mà có nhiều người chỉ tham gia gây quỹ hoặc tuyên truyền cho tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
TTXVN/Tin tức