Mùa lễ dâng y của Phật giáo Nam tông Khmer

Hằng năm, từ 15/9 đến 15/10 (âm lịch), các chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại nô nức tổ chức lễ dâng Kathina, do thời gian tổ chức lễ kéo dài nên đồng bào Khmer còn gọi là mùa lễ dâng y.


Đây là ngày lễ thể hiện sâu sắc nét văn hóa của đồng bào phật tử Khmer với đạo Phật, thể hiện nếp sống theo con đường chân, thiện, mỹ; nương nhờ dưới ánh sáng hào quang của Phật pháp.


Nhà chùa, nơi tiến hành lễ dâng y được trang trí rất lộng lẫy và trang nghiêm.

Lễ vật dâng đến chùa và chư tăng được đồng bào tôn kính đội lên đầu từ nhà đến chùa và trong nghi thức hành lễ.


Lễ dâng y Kathina là ngày lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng, nhất là các lễ vật thiết yếu dùng trong nhà chùa và dùng trong sinh hoạt của chư tăng; trong các lễ vật đó, chiếc áo cà sa là một lễ vật rất quan trọng không thể thiếu. Ngoài việc dâng các lễ vật thiết yếu đến ngôi Tam bảo, các tín đồ phật tử và các mạnh thường quân còn đóng góp kinh phí (gọi là dâng bông bạc), mục đích là để trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến đại đức chư tăng để các ngài yên tâm tu học, phụng sự phật pháp.


Nhạc ngũ âm, một loại hình âm nhạc cụ đặc sắc của người Khmer được biểu diễn trong lễ dâng y.

Cà sa và các vật dụng thiết yếu được chuẩn bị để dâng đến chư tăng.

Đại đức chư tăng đón tiếp đoàn dâng y diễu hành đến chùa.

Chào cờ trước giờ hành lễ.

Diễu hành vòng quanh Chánh điện.


Theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa chỉ được tổ chức lễ dâng y mỗi năm một lần, ngày bắt đầu là ngày 15 tháng 9 (âm lịch) hay còn gọi là ngày xuất hạ và kết thúc vào dịp lễ Oc - Om - Booc (15 tháng 10 âm lịch). Trong vòng một tháng, mỗi chùa chỉ được ấn định một ngày cụ thể để thông báo cho phật tử biết và tiến hành làm lễ dâng y. Đại lễ dâng y của Phật giáo Nam tông Khmer thường do một thí chủ đứng đầu khởi xướng và mời các thí chủ khác cùng tham gia hùng phước, thông báo với chư tăng về thời gian tổ chức lễ để các ngài làm lễ thọ y.


Trường hợp không có người đại diện khởi xướng, lễ dâng y sẽ được tổ chức với hình thức tập thể, do Ban quản trị nhà chùa đứng ra tổ chức và kinh phí để mua các vật dụng dâng đến chư tăng được quyên góp mỗi nhà một ít tùy lòng hảo tâm. Ngoài ra, để tăng thêm phần long trọng nhiều chùa còn kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống để vui chơi giải trí vào ban đêm.


Nghi thức dâng cà sa đến chư tăng.


Nhiều năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ về mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần vùng đông bào dân tộc Khmer ĐBSCL có bước phát triển tích cực, việc tổ chức lễ dâng y theo đó có phần sung túc hơn so với những năm trước. Tuy quy mô của việc tổ chức ngày lễ này có sự khác nhau ở các chùa, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của phật tử ở từng địa phương, nhưng các nghi thức phải đúng theo quy định của Phật giáo và gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của Phật giáo nguyên thủy. Ngoài các yếu tố Phật giáo, lễ dâng y còn tích cực bảo tồn và duy trì nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer vùng sông nước ĐBSCL. Thông qua các hoạt động trong ngày lễ đã tạo nên sự gần gũi và thân thiện, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm trong đồng bào dân tộc Khmer và các dân tộc anh em từ đó cũng được thắt chặt hơn.



Bài và ảnh: Xuân Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN