Mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn; việc phân chia đối tượng tham gia thành 25 nhóm đang gây rắc rối trong quản lý, dẫn tới cấp trùng thẻ BHYT; ngoài ra, cũng còn nhiều ý kiến về cần mở rộng quyền lợi cho một số đối tượng tham gia… đó là những bất cập sẽ được điều chỉnh trong Dự thảo sửa đổi Luật BHYT để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2014.


“Bắt buộc” tham gia BHYT


Năm 2013, cả nước có 61,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 69% dân số cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020 đang ở trong tình trạng “chậm dần đều” vì khó mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với hơn 30% dân số còn lại.

 

Cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Ảnh: Dương ngọc - TTXVN


“Nếu chỉ quy định người dân có “trách nhiệm” tham gia như hiện hành thì tính tuân thủ pháp luật không cao, hậu quả rõ nhất là trên 40% lao động trong doanh nghiệp chưa tham gia BHYT nhưng cũng chưa có chế tài hữu hiệu xử phạt. Vậy nên, trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi (Dự thảo Luật) đã đưa ra quy định người dân phải tham gia BHYT theo hình thức “bắt buộc” để xác định rõ trách nhiệm của mỗi người”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết


PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định: “Nếu không quy định bắt buộc sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là những người khỏe mạnh sẽ không tham gia BHYT. Như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược”, tức là chỉ người ốm mới tham gia BHYT, dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT”.


Ngoài ra, để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ do nhiều cơ quan quản lý cùng quản lý đối tượng Dự thảo Luật lần này đã còn sắp xếp lại 25 đối tượng quản lý. Theo đó, dự kiến chỉ còn 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT. Dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND xã, phường về việc lập danh sách đối tượng tham gia BHYT.


Đặc biệt, để siết chặt tình trạng bệnh nhân tham gia BHYT vượt tuyến, bệnh nhẹ cũng lên tuyến TƯ để khám chữa bệnh (KCB) như hiện nay, Dự thảo Luật quy định quỹ BHYT dự kiến chỉ chi trả 20% đối với bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến TƯ (hiện tại là 30%).


Trao đổi về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, lý giải: “Đó là giải pháp để hạn chế tình trạng vượt tuyến không cần thiết; nếu không các BV tuyến trên sẽ luôn phải điều trị cho những bệnh nhẹ lẽ ra chỉ cần điều trị ở tuyến dưới. Như thế, tuyến trên không thể tập trung toàn lực cho việc điều trị những ca bệnh khó hoặc chú trọng phát triển công nghệ cao…”.


Mở rộng quyền lợi cho một số đối tượng


Theo bà Tống Thị Song Hương, Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Cụ thể, nâng mức hưởng của đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số từ 95% lên 100%; nâng mức hưởng của người cận nghèo từ 80% lên 95%; của thân nhân người có công từ 80 lên 95%, mức hưởng của bố mẹ, vợ, chồng, con liệt sỹ sẽ được nâng lên 100%; bổ sung đối tượng là người Kinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Nhà nước mua thẻ BHYT…


Đáng lưu ý, Dự thảo Luật có thêm quy định thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, trừ trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục thuốc BHYT. Người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã được quyền KCB BHYT tại BV đa khoa (BVĐK) tuyến huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc BVĐK khu vực nơi không có BVĐK huyện…


Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thì việc quy định “bắt buộc” và hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình (thay cho hình thức cá nhân hiện nay) như Dự thảo Luật đưa ra là cần thiết. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, không thể thực hiện được BHYT toàn dân nếu không bắt buộc người dân tham gia BHYT.


“Tuy nhiên, khâu yếu nhất trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT hiện nay là thiếu người tuyên truyền trực tiếp cho người dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Các địa phương cũng chủ yếu chỉ tuyên truyền trên báo, đài. Do đó, cần phải thực hiện tích cực hoạt động tuyên truyền về vấn đề này trong thời gian từ 5 - 10 năm, phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho người dân. Ngành bảo hiểm, y tế và các địa phương đều phải chú trọng công tác tuyên truyền thì mới mong đạt hiệu quả cao trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân”, ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN