Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân (PPE) bên ngoài trung tâm chữa trị Ebola do tổ chức phi Chính phủ Bác sĩ không biên giới (MSF) điều hành tại thủ đô Monrovia, Liberia. Ảnh: AFP/ TTXVN.
|
Chính phủ Mali không thông tin chi tiết về trường hợp nhiễm mới trên, song cho hay bệnh nhân này đang được điều trị tại một trung tâm điều trị Ebola cùng với bệnh nhân nhiễm Ebola bị phát hiện ngày 22/11 vừa qua.
Trong một báo cáo đánh giá tình hình dịch Ebola, giới chức Mali cho hay khoảng 270 người có thể đã có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola đang được theo dõi chặt chẽ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 6 người nhiễm Ebola đầu tiên tại Mali đều đã tử vong.
Như vậy, Mali là quốc gia thứ 6 tại Tây Phi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát của dịch Ebola. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh chết người trên, Giám đốc WHO Margaret Chan đã tới Mali vào cuối tuần qua nhằm thảo luận với giới chức nước sở tại cách thức ngăn chặn dịch Ebola lây lan, cũng như một số biện pháp mà các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ hỗ trợ Mali.
Trước mắt, phái bộ LHQ về Ứng phó khẩn cấp Ebola (UNMEER) sẽ chính thức mở văn phòng đại diện tại quốc gia này vào thời gian tới.
Trong chuyến thăm Mali, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Michel Sidibe nhận định bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật và tài chính quốc tế, sự phối hợp hành động và công tác truyền thông chiến lược là những bước đi then chốt để ngăn chặn dịch Ebola tại nước này.
Thống kê mới đây của WHO chỉ rõ cho đến nay đã có hơn 15.000 người tại 8 nước trên thế giới nhiễm Ebola, trong số này có gần 5.500 trường hợp tử vong.
* UNDP cảnh báo nguy cơ đói nghèo gia tăng do dịch Ebola Trong khi đó, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhận định sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch Ebola sẽ khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo và người nông dân, gặp nhiều khó khăn hơn khi giá cả các mặt hàng và dịch vụ tăng cao.
Trong một nghiên cứu công bố cùng ngày, nhà kinh tế trưởng của UNDP tại văn phòng khu vực ở châu Phi Ayodele Odusola cho hay các biện pháp như đóng cửa biên giới, siết chặt đi lại cùng với hoạt động nông nghiệp chững lại đã khiến giá thực phẩm biến động.
Theo ông, cuộc sống của cộng đồng dân cư tại vùng hẻo lánh bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả do cước phí vận chuyển tăng trong khi thu nhập từ sản xuất nông nghiệp lại giảm.
Điều này cũng khiến những người tại vùng hẻo lánh cắt giảm chi tiêu, nhiều hơn so với người ở khu vực thành thị. Nghiên cứu này nhận định kể từ khi dịch Ebola bùng phát mạnh mẽ, Sierra Leone, quốc gia nằm trong vùng dịch, ghi nhận sức tiêu dùng sụt giảm tới 20% trong khi đó mức này tại Liberia là hơn 25%.
Nhà kinh tế trưởng Odusola cho rằng các nước nằm trong vùng dịch cần có hành động phối hợp nhằm ổn định giá và đảm bảo thị trường lương thực. Nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tình hình, gồm mở cửa biên giới giữa các nước trong vùng dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thực phẩm; các mạng lưới an sinh xã hội cần trợ cấp nông nghiệp hay cung cấp dịch vụ thanh toán tiền mặt để giúp cải thiện cuộc sống của người nghèo.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và mùa vụ cùng với những chính sách về tiền tệ và tài khóa nhằm ổn định thị trường tiền tệ và giá cả hàng hóa cũng được coi là những biện pháp nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân.
TTXVN/Tin Tức