Luật Đất đai 2013 sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Liệu có tình trạng luật chờ thông tư, nghị định? Hoạt động thuê đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng có những thay đổi gì so với trước đây? Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang đã làm rõ những vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Bảo đảm lợi ích hài hòa
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành luật. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng kéo dài. Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất. “Bộ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, tập trung chỉ đạo việc thống nhất áp dụng pháp luật để xử lý một số vấn đề đất đai trong quá trình chuyển tiếp từ ngày 1/7. Về phía Bộ đã thiết lập đầu mối tiếp nhận và xử lý, giải quyết các vướng mắc của các địa phương trong quá trình thi hành luật”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Luật Đất đai đã kế thừa các quy định phù hợp với thực tiễn và được bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và người sử dụng đất và nhà đầu tư như: Quy định về những trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng theo hướng kiểm soát chặt chẽ và thu hẹp hơn; quy định cụ thể về điều kiện bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất, đồng thời cũng tách bạch các khoản bồi thường và hỗ trợ để bảo đảm công bằng cho người bị thu hồi đất. “Đặc biệt Luật Đất đai sửa đổi đã quan tâm hơn đến sinh kế cho người bị thu hồi đất thông qua các khoản hỗ trợ như: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư…; áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất để xác định bồi thường; quy định vai trò của tư vấn trong xác định giá đất để bảo đảm tính khách quan; quá trình thu hồi, lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải có sự tham gia của người có đất bị thu hồi. Luật Đất đai sửa đổi lần này cũng quy định rõ hơn về nguyên tắc định giá đất, theo đó, khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động (tăng 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm 20% trở lên so với giá tối thiểu). Giá đất cụ thể vẫn do UBND cấp tỉnh quyết định, trên cơ sở bảng giá kết hợp với việc điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; cơ quan xác định giá đất thuê tư vấn xác định giá đất, trình hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Có chế tài mạnh với dự án “treo”
Theo Bộ trưởng, Luật Đất đai lần này có quy định cơ chế Nhà nước tạo đất sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, nhà đầu tư không phải tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nên sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục đất đai. Luật cũng quy định nhà đầu tư có thể thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng của người sử dụng đất, xin chuyển mục đích sử dụng đất để có mặt bằng thực hiện dự án đầu tư… Theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 200.000 ha cần thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
“Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, rà soát và xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, đã thu hồi gần 20.000 ha, trong đó, Hà Nội thu hồi 820 ha, TP Hồ Chí Minh thu hồi 2.350 ha, Vĩnh Phúc thu hồi 240 ha, Thanh Hóa thu 345 ha, Đắk Lắk thu 1.058 ha…. Kết quả này còn khá khiêm tốn, do một số địa phương thiếu kiên quyết trong việc thu hồi đất vì lo ngại ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và khó khăn trong việc xác định, xử lý giá trị đã đầu tư trên đất”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề trên, Luật Đất đai sửa đổi đã có chế tài mạnh buộc nhà đầu tư phải tính toán kỹ khi xin giao đất, cho thuê đất, đó là: Cho phép chậm tiến độ hơn 24 tháng, nhưng chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ mà chưa cho đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi mà không bồi thường. Luật cũng đưa ra các quy định ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, để lãng phí đất đai như: Việc giao thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.
Trọng Thủy