Đúng
như dự báo, kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 14/12 cho thấy liên minh cầm
quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng áp đảo tại
cuộc bầu cử Hạ viện vừa kết thúc. Diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản
Shinzo Abe giải tán Hạ viện, bầu cử sớm lần này được ông Abe coi là một
trưng cầu ý dân về chính sách kinh tế thường được gọi là Abenomics và
khả năng lãnh đạo đất nước của ông kể từ khi nắm quyền năm 2012.
Theo
đó, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Komeito
đã cầm chắc chiến thắng với khả năng giành được 2/3 trong tổng số 475
ghế tại Hạ viện Nhật Bản. Thăm dò ngoài điểm bỏ phiếu cho thấy liên minh
của ông Abe cầm chắc ít nhất 246 ghế. Kết quả chính thức dự kiến được
thông báo sáng sớm ngày hôm nay (15/12).
Cử tri Nhật Bản bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Tokyo.Ảnh: AFP/TTXVN |
Như
vậy, Thủ tướng Shinzo Abe có thể tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước
tới năm 2018. Chiến thắng trong bầu cử Hạ viện cũng có nghĩa là Thủ
tướng Abe có thể yên tâm tiếp tục thực hiện Abenomics, gồm một loạt các
chiến lược nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và tăng trưởng nhằm
vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng giảm phát.
Theo
ông Abe, Abenomics là cách duy nhất để Nhật Bản vượt qua được giai đoạn
giảm phát và nhờ Abenomics mà kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi
từ năm 2012 trong khi lương và tỷ lệ người có việc làm cũng tăng. Dù vậy
LDP vẫn phải thừa nhận rằng một bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn
vẫn chưa cảm nhận được sự thay đổi, vì vậy LDP cam kết sẽ hành động vì
số cử tri này sau bầu cử.
Ngoài
Abenomics, một loạt vấn đề chính sách quan trọng và gây chia rẽ khác
của ông Abe cũng được thử thách trong cuộc bầu cử lần này như khởi động
lại các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, vấn đề an
ninh sau khi Nhật Bản được phép tham gia phòng vệ tập thể.
Trong
khi đó, trước bầu cử, các đảng đối lập đã tập trung hạ bệ chính sách
phục hồi tiền tệ của ông Abe, cho rằng chính sách này đã gây ra mặt trái
là gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đồng yen giảm giá khiến giá năng
lượng và giá các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh, ảnh hưởng đến các công ty
vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình. Ngoài ra, các đảng này cũng tập
trung sự chú ý vào chính sách năng lượng và quyền phòng vệ tập thể để
phá chiến thuật của ông Abe vốn phớt lờ các vấn đề gây tranh cãi để xoay
quanh chính sách kinh tế trong chiến dịch vận động cử tri.
Ông
Banri Kaieda, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập chính, ngày
13/12 đã cáo buộc chính quyền của ông Abe không lắng nghe tiếng nói của
người dân, đề nghị cử tri nghĩ lại trước khi bỏ phiếu cho đảng của ông
Abe. Đảng DPJ kêu gọi cử tri phản đối chính sách phòng vệ tập thể, trong
khi các đảng đối lập nhỏ hơn khác tìm kiếm sự ủng hộ của những cử tri
bất mãn với Abenomics.
Theo
giáo sư Yasuo Hasebe thuộc Đại học Waseda, các đảng đối lập Nhật Bản
thất bại ở chỗ họ không đưa ra được một chính sách thống nhất hơn trước
bầu cử để thu hút cử tri. Điều này khiến một số cử tri bất mãn với LDP
chỉ có hai lựa chọn, hoặc là không đi bỏ phiếu hoặc là vẫn phải bầu cho
LDP.
Trước khi Hạ viện bị giải tán ngày 21/11, liên minh giữa LDP và Komeito chiếm 326 ghế trong tổng số 480 ghế Hạ viện.
Thùy Dương