Liên kết bơm 50.000 tỷ đồng cứu thị trường bất động sản

Các ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà kinh doanh vật liệu xây dựng cùng “bắt tay” xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng ra thị trường gói tín dụng 50.000 tỷ đồng để giải cứu thị trường bất động sản. Đây là thông tin đưa ra trong một sự kiện do Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức ngày 25/3 tại TP Hồ Chí Minh.

 

Xây dựng chuỗi liên kết


Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), cho biết trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng và BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn, như: khó tiếp cận nguồn vốn vay cho dù lãi suất cho vay giảm tương ứng, lãi suất trần huy động ngắn hạn đang tiếp tục giảm... nên việc khơi thông để kích cầu, cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn là thách thức lớn. Chính vì thế, thực hiện theo Nghị quyết 01/NQ - CP năm 2014 của Chính phủ và các Nghị quyết 01, 02/NQ - CP năm 2013 của Chính phủ, VNCB đã phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà, gồm: ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)... , đồng thời xây dựng sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp nhằm tối ưu hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng.

Khách hàng xem mô hình quy hoạch phát triển của TP Hồ Chí Minh và tìm hiểu những thông tin đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.


Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), việc xây dựng chuỗi liên kết sẽ giúp các chủ đầu tư có cơ hội tiếp cận nhà thầu có uy tín, giàu kinh nghiệm, có năng lực tài chính quản trị; được cung cấp VLXD chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đặc biệt nhận được chiết khấu trực tiếp của nhà sản xuất... Tương tự, nhà thầu được giới thiệu các công trình, dự án xây dựng; được đảm bảo khả năng thanh toán đúng tiến độ; được cung cấp VLXD đúng tiến độ, giá cả cạnh tranh, được nhận chiết khấu trực tiếp của nhà sản xuất... Ngay cả nhà sản xuất cũng được những lợi ích trên, chưa kể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn.


Không chỉ thế, theo ông Phan Thành Mai, nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà thầu còn được cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với mức ưu đãi tối đa, đặc biệt là tài trợ trả chậm hoặc tiếp cận tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tín dụng của mình, giúp ngân hàng giảm thiểu được rủi ro khi cho vay. “Trước đây, đơn vị chủ đầu tư vay một ngân hàng, người xây dựng vay một ngân hàng và người mua vay một ngân hàng... điều này sẽ dễ xảy ra rủi ro cho thị trường cũng như ngân hàng vì dễ xảy ra nợ xấu, chưa kể có một dự án ngân hàng cho vay nhiều lần. Nhưng với chuỗi liên kết này, có một dự án thì chỉ có một ngân hàng cho vay”, ông Mai phân tích.


Nói về vai trò quan trọng của chuỗi liên kết này, ông Đỗ Văn Quất, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Thiên Thanh, cho rằng không thể thiếu vai trò của nhà tổ chức. Bởi thông qua nhà tổ chức, chuỗi liên kết 4 nhà cùng với sàn giao dịch VLXD mới có thể đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả.


Cơ hội tiếp cận vốn vay mới


Theo ông Phan Thành Mai, điểm đặc biệt của chuỗi liên kết khép kín này là các ngân hàng cam kết sẽ cung ứng cho thị trường 50.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN vay. Hiện gói tài trợ này đã có các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank, ACB, Sacombank, Oceanbank, MB... tham gia. Tuy nhiên, đây là gói tín dụng của các ngân hàng chứ không phải là trích từ nguồn ngân sách của Nhà nước hay gói dự trữ của Ngân hàng Nhà nước, vì thế điều kiện vay vốn của các DN ngành xây dựng vẫn không có gì thay đổi và theo hiện hành... Ngoài ra, lãi suất cho vay của nguồn vốn nay vẫn theo thị trường, không giống gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng hay các gói tín dụng khác.


Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng: “Việc liên kết 4 nhà tạo thuận lợi cho DN dễ tiếp cận vốn hơn, nhất là vốn vay mới. Cụ thể, nếu DN đã vay ngân hàng A, khi có dự án mới và xin vay ở ngân hàng B, nếu dòng vốn được giải ngân sẽ đi ngang qua tài khoản ngân hàng A và tất nhiên DN này sẽ bị ngân hàng A trừ cả gốc lẫn lãi. Như vậy, DN sẽ bị nợ xấu chồng nợ xấu vì không thể rót tiền vào dự án đầu tư. Trong khi đó, việc liên kết 4 nhà sẽ giúp các ngân hàng ngồi lại với nhau và thống nhất ngân hàng A tạm không “đụng” đến nợ cũ, để ngân hàng B giải ngân cho dự án mới của DN. Có như vậy, dòng tiền vay mới sẽ được thực hiện cho dự án mới, tạo điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn có hiệu quả để trả nợ tiếp tục cho ngân hàng A”.


Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, cũng đưa ra những mặt tích cực cho thị trường BĐS cũng như dòng tín dụng hiện nay khi xây dựng chuỗi liên kết bốn nhà. “Thứ nhất, nó góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và đẩy mạnh tính tiêu thụ hàng tồn kho trong thị trường BĐS, VLXD. Thứ 2, tháo gỡ vốn cho các dự án BĐS tiếp tục đầu tư xây dựng và hạn chế những dự án đầu tư dở dang, đồng thời có thể tiếp tục hoàn thành dự án. Thứ 3, tăng cường sự hợp tác của các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền và đảm bảo vốn đầu tư sử dụng đúng mục đích, hạn chế rủi ro tín dụng cho ngành ngân hàng. Thứ 4, củng cố niềm tin và tăng cường sự tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi liên kết và yên tâm trong chuỗi xây dựng cơ bản. Cụ thể, tổ chức tín dụng yên tâm tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp thì yên tâm cung cấp vật liệu và thiết bị, người mua thì yên tâm mua nhà. Thứ 5, giảm thiểu cho vay tín dụng trùng lắp và tiết kiệm vốn vay với các công trình đầu tư. Thứ 6, nâng cao tính công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng và hạn chế sự tham nhũng”, ông Mạnh nhận xét.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN