Lên án hành động sai trái của Trung Quốc tại Hội thảo ở Ba Lan

Ngày 11/6/2015 tại trụ sở báo Gazeta – Wyborcza ở Warsaw, Ba Lan, đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề về Biển Đông. Tới dự và phát biểu tại tọa đàm có đại diện giới báo chí, chính khách, trí thức Ba Lan và cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Quang cảnh chung buổi tọa đàm. Ảnh: CTV Việt Ba


Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, chủ trì và phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Rafal Tomanski ở báo Rzeczpospilta đã điểm lại các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, từ việc hạ đặt giàn khoan HD981 tại vùng biển của Việt Nam đến việc xây dựng đảo nhân tạo và củng cố, mở rộng các đảo.

Nhà báo này cho rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như hành vi củng cố, mở rộng một số đảo chiếm đóng bất hợp pháp khỏi Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông khẳng định, sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Nhà báo Rafal Tomanski hoan nghênh việc kênh truyền hình Mỹ CNN gần đây công bố các hình ảnh về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và bồi đắp, mở rộng các đảo trên Biển Đông, chỉ trích việc làm sai trái của Trung Quốc.

Giáo sư, Tiến sỹ về quan hệ quốc tế Malgorzata Pietrasiak thuộc Trường Đại học Tổng hợp Lodz sau khi phân tích cơ sở khoa học về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đưa ra kết luận: Việt Nam có chứng cứ pháp lý, lịch sử trong việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.  Cựu nghị sỹ Ba Lan Piotr Gadzinowski đánh giá những hành động gần đây trên Biển Đông nằm trong toan tính và chiến lược lâu dài của Trung Quốc, trong đó có con đường tơ lụa trên biển, nhằm thực hiện mục tiêu bành trướng nước lớn.

Diễn giả phát biểu. Ảnh: CTV Việt Ba


Tham luận của Tiến sỹ địa chất học Anna Wysocka (trường Đại học Tổng hợp Warsaw), người đã có nhiều năm nghiên cứu về địa chất học tại vùng Biển Đông, gây được sự chú ý tại cuộc tọa đàm. Trên cơ sở phân tích đặc điểm địa chất học tại Biển Đông và phương thức xây dựng đảo nhân tạo, Tiến sỹ Anna Wysocka đánh giá việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo cũng như bồi đắp, mở rộng một số đảo đang làm ảnh hưởng lớn đến cấu tạo địa chất cũng như môi trường sống tự nhiên trên Biển Đông.

Dịch giả Nguyễn Văn Thái khẳng định, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, tại Ba Lan nói riêng, sẽ tiếp tục góp sức để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng này.

Nhà báo Rafal Tomanski là tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về châu Á, gần đây đã xuất bản cuốn sách “Skosnym - Okiem” (mắt xiên), tập hợp các bài báo về châu Á của nhà báo này được đăng trên nhật báo Rzeczpospolita trong năm 2014. Trong các bài viết nhà báo Rafal Tomanski đã đặc biệt chú ý tới các sự kiện trên Biển Đông, chỉ tríchTrung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng biển Việt Nam, bắn tàu cá của ngư dân Việt Nam, xây dựng đảo nhân tạo và bồi đắp, cải tạo, mở rộng các đảo bất hợp pháp.

Buổi tọa đàm về Biển Đông đã thành công, thu hút sự quan tâm rộng rãi của báo chí, giới trí thức, chính khách, ngoại giao và cộng đồng người Việt tại Ba Lan.


Nguyễn Hồng Tâm (TTXVN)
Tọa đàm về vấn đề Biển Đông tại Australia

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia đã tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề Việt Nam và các tranh chấp tại Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN