Chuẩn bị bàn thờ cúng cầu mưa. |
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" được tổ chức tại "Làng" từ ngày 15/11 đến 23/11/2015.
Lễ cầu mưa (Tê hội cơ mạ) của đồng bào Khơ Mú được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tổ chức ngày 15/4 hàng năm (tức ngày 16 tháng 3 âm lịch).
Lễ hội cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào Khơ Mú. Người Khơ Mú quan niệm rằng, sau khi gieo hạt, với ước nguyện một mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để cây trồng tốt tươi, tránh khỏi hạn hán. Nghi lễ đã thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, vào thiên nhiên, những ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe nhau, được tham gia vào các điệu múa và các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.
Lễ vật được thầy cúng tự tay bày trên bàn thờ, gồm có gà, hai bộ quần áo phụ nữ, vòng tay vòng cổ… quả bầu đựng nước, đặc biệt phải có 4 bông lúa để xin cho mùa màng tốt tươi. Cạnh bàn thờ bao giờ cũng có cây chuối đủ cả gốc và ngọn. |
Vẩy nước thiêng vào người dự lễ với ứng nguyện mưa xuống cho bà con làm nương rẫy cấy ruộng đồng gieo hạt, trồng cây thuận lợi. |
Sau nghi lễ cúng cầu mưa, thầy cúng khấn thần thổ địa về chơi hội, bảo vệ dân làng trước điều xấu, điều ác. |
Múa bắt cá. Sau khi cúng cầu mưa, trời sẽ đổ mưa, cá lên sông suối đồng bào rủ nhau đi bắt tôm cá. |
Sau phần lễ, phần hội với nhiều tiết mục văn hóa truyền thống, trong đó có múa sạp. |
Múa tầm đao. Phụ nữ Khơ mú vào rừng chọn những cây nứa thẳng đẹp không quá già để làm đạo cụ này. |