Lễ cấp sắc - nét đẹp của người Dao đỏ

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền hàng ngàn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tham dự một lễ cấp sắc của họ Hoàng dân tộc Dao đỏ ở thôn Khe Lắc, xã Nông Thịnh huyện Chợ Mới, có thể nói đây là một ngày hội không chỉ của các thành viên trong gia đình mà còn là của cả người dân trong thôn.


Đã hàng chục năm nay trong thôn mới lại có một lễ cấp sắc. Ảnh: phapluattp.vn



Ông Hoàng Hữu Toàn, gia chủ của dòng họ này cho biết: Đã hàng chục năm nay trong thôn mới lại có một lễ cấp sắc. Để tổ chức được lễ này, các gia đình trong dòng họ phải bàn bạc trước đó khoảng 1 năm, dự kiến thời gian tổ chức sao cho hợp lí không vướng vào giai đoạn bận việc đồng áng hay nương rẫy và đặc biệt các gia đình phải sẵn sàng chuẩn bị đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần.

Một lễ cấp sắc thường diễn ra ngắn nhất trong 3 - 4 ngày đêm liên tục. Người đến tham dự càng đông thì gia chủ càng may mắn. Do vậy, trước khi tổ chức lễ cấp sắc, người Dao phải chuẩn bị đầy đủ không chỉ cả về vật chất (rượu, thịt để đãi bà con đến chia vui) mà còn về sức khoẻ và tinh thần để theo trọn nghi lễ.


Sau khi cấp sắc đàn ông Dao mới được coi là thực sự trưởng thành, người có vị trí trong xã hội. Đây là một nghi lễ bắt buộc đối với mọi người đàn ông Dao. Muốn đạt được mục đích làm người trưởng thành về cả tinh thần và thể xác, bản thân mỗi người và cả gia đình, tông tộc phải có sự nỗ lực rất lớn về tinh thần và vật chất.

Lễ cấp sắc của gia đình ông Hoàng Hữu Toàn có 12 thành viên nam trong dòng họ được làm lễ, ngoài ra cũng có 3 người cao tuổi trong dòng họ đã mất cũng được cấp sắc. Bởi theo người Dao, các con cháu chỉ được cấp sắc khi các cụ tổ đã được cấp sắc, vì vậy sẽ tiến hành lễ cấp sắc cho các cụ tổ trước rồi mới đến con cháu.

Người Dao quan niệm rằng con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới trở thành con người có đức, có ích cho gia đình và xã hội.


Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ ra con cái phải dạy con tập nói tập đi, tập theo gương bề trước, học theo những điều hay, không để cho con cái mình lường biếng, ít hiểu biết, phải biết kính trên nhường dưới, có tình yêu thương con người.


Thầy thứ hai là thầy cô giáo dạy chữ, biết tiếp xúc và quan hệ xã hội, biết khoa học công nghệ, biết làm người và trở thành người có ích cho xã hội.


Thầy thứ ba là thầy mo cấp sắc cho từng người để giữ gìn bản sắc của dân tộc. Thầy mo dạy bảo con cháu vạn điều tôn sự trọng đạo, kính thầy, yêu nước, yêu quê hương, không được làm điều ác, không làm những điều trái với lương tâm đạo đức...


Anh Hoàng Hữu Quý, thôn Khe Lắc, xã Nông Thịnh huyện Chợ Mới cho biết: Để lễ cấp sắc được diễn ra trang trọng, đầm ấm, ngoài việc mời các thầy đến thực hiện nghi lễ, gia chủ còn mời tất cả anh em, bạn bè gần xa đến chia sẻ niềm vui chúc mừng cho gia đình, bởi đây là công việc trọng đại của cả dòng họ nên khi được mời dù ở xa hay gần các anh em, bạn bè đều cố gắng sắp xếp công việc trong gia đình để đến chia chia vui cũng như giúp gia đình.

Những người được mời đến dự vừa thể hiện tình cảm và một phần cũng vừa để tìm hiểu thêm phong tục tập quán, nguồn gốc lịch sử của dân tộc mình. Qua đó, có trách nhiệm dạy bảo con cháu gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


Đây cũng là thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa con người với con người trong cộng đồng làng bản của người Dao. Họ cũng mong muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với những người trong dòng họ.

Hiện nay người Dao ở tỉnh Bắc Kạn có trên 45.000 người, thuộc nhiều ngành khác nhau như: Dao đỏ, Dao tiền, Dao sán chí… Giữa các ngành Dao, tuy có điểm khác nhau về phương ngữ giao tiếp trong xã hội nhưng họ lại thống nhất trong ngôn ngữ văn chương. Đặc biệt, có điểm chung nhất là nguồn gốc lịch sử, tục thờ cúng tổ tiên.

Lễ cấp sắc là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của người Dao đỏ ở tỉnh Bắc Kạn nói riêng và của cộng đồng người Dao nói chung. Thể hiện những khát khao, mơ ước của con người về một thế giới tươi đẹp, đem đến cho mỗi con người cuộc sống ấm no hạnh phúc.


Hoàng Nam

Gùi nắp, gùi ngăn của người Jrai
Gùi nắp, gùi ngăn của người Jrai

Gùi nắp (có nắp đậy trên miệng) hay gùi ngăn (thường là 3 ngăn, số ít thêm ngăn sau lưng là 4) chẳng lạ gì đối với người đã từng sống ở Tây Nguyên. Nhưng mới đây về huyện Chư Păr (Gia Lai), tôi ngỡ ngàng thấy trên vách cao của nhà anh A Lây, người Jrai (Jơ Rai) có chiếc gùi khá đặc biệt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN