Ngày 25/2, tại gia đình ông Triệu Phúc Sương, bản Nậm Kịp, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ cấp sắc người Dao đỏ. Đây là một nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng lâu đời và là một trong những lễ hội nằm trong Chương trình du lịch về cội nguồn năm 2011.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao có nhiều cấp bậc, gồm 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Tùy theo điều kiện của từng gia đình việc cấp sắc sẽ được thực hiện tuần tự từ thấp đến cao. Theo phong tục của đồng bào Dao, người con trai khi đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao).
Chia sẻ về niềm vui khi được cấp sắc lên 3 đèn, anh Triệu Kim Minh, một trong 8 người được cấp sắc trong buổi lễ này cho biết: “Mình rất vui bởi hôm nay được bố mẹ tổ chức làm lễ cấp sắc cho mình. Từ nay mình đã trở thành người lớn, mình sẽ cố gắng làm ăn để kinh tế ngày một tốt hơn”.
Các nghi thức được diễn ra tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn... Bắt đầu buổi lễ, các thầy mo làm lễ tế, lễ khấn để kính mời tổ tiên về dự.
Các nghi lễ khai đàn để báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ, dâng đèn và đặt tên âm cho người được cấp sắc tiến hành. Theo đó, những chàng trai sau khi thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.
Ông Triệu Phúc Bảo, người dân ở thôn Nậm Kịp, cho biết: Từ ngày xưa người Dao đã có lễ cấp sắc, truyền hết đời này đến đời khác. Ý nghĩa của lễ cấp sắc là làm lễ trưởng thành cho một người con trai (từ 3 tuổi trở lên là có thể làm nghi lễ cấp sắc).
Sau khi làm lễ, người con trai dù bé cũng trở thành người lớn. Theo quan niệm người đàn ông Dao đỏ phải trải qua nghi lễ này mới trưởng thành, mới ăn nên làm ra. Đây là nghi lễ không thể thiếu được với người Dao chúng tôi.
Thầy mo làm lễ cấp sắc cho những thanh niên của bản. |
Ông thầy được chọn làm lễ cấp sắc phải là người có uy tín. Ngày tháng được gia chủ chọn rất cẩn thận. Thời gian hành lễ cấp sắc thường được gia chủ chọn và tiến hành vào những tháng cuối năm hoặc những tháng đầu năm sau.
Đó là khoảng thời gian nông nhàn được họ sử dụng làm việc cúng bái, cưới xin và ma chay. Buổi lễ cấp sắc có thể làm cho một hoặc nhiều người nhưng phải là số lẻ. Lễ vật trong lễ cấp sắc gồm: 2 con lợn (từ 50 kg trở lên), 2 con gà, 100 tờ giấy bản, quần áo thầy cúng, chuông dâng hương, ghế xu, bộ đèn 3 chiếc, tích một bộ, một bộ trống chiêng...
Theo GS.TS Hoàng Nam, nguyên giảng viên khoa Văn hóa dân tộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, một nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc: Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo, có giá trị nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc nằm trong kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao không chỉ được lưu giữ ở Nậm Lành mà cộng đồng người Dao trên toàn tỉnh Yên Bái luôn coi đó là một phong tục không thể thiếu. Ông Lý Hữu Điền năm nay đã ngoài 80 tuổi, là người cao tuổi ở thôn Nậm Kịp, cho biết: Theo truyền thống của người Dao, từ xưa đến nay người con trai ai cũng phải trải qua lễ cấp sắc. Nên dù giàu hay nghèo gia đình nào cũng tổ chức lễ cấp sắc cho người con trai trong gia đình của mình.
Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, thôn Nậm Kip, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn hiện còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho dân tộc.
Đời sống của bà con người Dao ở đây đang ngày một đổi thay, nhiều nét văn hóa được duy trì và phát huy; trong đó lễ cấp sắc là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và lâu đời. Thông qua việc làm lễ mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong lễ cấp sắc cho người được cấp sắc tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu.
Không những thế phong tục này còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ. Lễ cấp sắc luôn được người Dao gìn giữ và phát huy và là nét văn hóa đặc sắc góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Yên Bái, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc trên mảnh đất vùng cao Yên Bái.
Nguyễn Viết Tôn