Lấy ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải phù hợp với từng đối tượng

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp báo công bố kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) do Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5/1 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, BLDS là đạo luật lớn, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dự thảo Bộ luật quy định nhiều vấn đề mới, có tính đột phá trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN



Việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Để bảo đảm chất lượng, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm của việc lấy ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện Nghị quyết 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch 01 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi).

Theo đó, cơ quan tư pháp là bộ máy trực tiếp áp dụng các quy định của Bộ luật để giải quyết các việc dân sự. Do đó, ý kiến góp ý của các cơ quan Tòa án, Kiểm sát là đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành về dự thảo Bộ luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với dự thảo Bộ luật. Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư cũng cần phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các cơ quan thông tin truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung dự thảo BLDS để kịp thời phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân và đăng tải các ý kiến này với các hình thức và thời lượng phù hợp. Các cơ quan phải tổng hợp đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân. Đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo BLDS; công bố công khai việc tiếp thu, giải trình.

Về phương pháp, hình thức lấy ý kiến, qua kinh nghiệm của nhiều lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp, không in ấn quá nhiều giấy tờ, tài liệu không cần thiết. “Cần phát huy hiệu quả của các phương pháp truyền thông qua mạng Internet, qua hệ thống phát thanh, truyền hình... Việc lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng: người dân, các nhà khoa học pháp lý, các nhà quản lý...”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN