Trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những tuyên bố mạnh mẽ đi thẳng vào nhiều vấn đề đang gây tranh cãi, từ cải cách thuế và nhập cư, hạ tầng cho đến chính sách đối ngoại. Thông điệp này có thể sẽ khiến cuộc đối đầu giữa Tổng thống và Quốc hội thêm căng thẳng, nhưng cũng mở ra cơ hội để ông Obama tạo dấu ấn riêng sau hai nhiệm kỳ nắm quyền, thậm chí có thể lật trang sử mới cho nước Mỹ.Thông điệp Liên bang thứ 6 của ông Obama được phát đi trong bối cảnh người dân Mỹ đang phấn khởi trước sự hồi phục của nền kinh tế và mức tín nhiệm dành cho Tổng thống tăng mạnh. Sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Mỹ là điểm sáng nhất trong năm 2014, với tốc độ tăng trưởng GDP quý II và III đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua (gần 5,0%). Kinh tế tăng trưởng cao góp phần giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp. Theo một cuộc thăm dò tiến hành ngày 20/1, hiện có nhiều người Mỹ cảm thấy hài lòng về kinh tế hơn so với cách đây 10 năm. Khoảng 40% cảm thấy lạc quan về nền kinh tế. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Obama đạt 46%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2013 - thời điểm chính phủ của ông gần như bị tê liệt.
Ông Obama đọc Thông điệp Liên bang tại Quốc hội. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kinh tế phát triển, nhưng ông Obama lại rơi vào cảnh chính phủ thiểu số sau thất bại của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, khiến hầu hết các vấn đề đối nội bị bế tắc và chính phủ liên bang nhiều lần bị dồn tới nguy cơ phải đóng cửa. Ý thức được “cửa ải” lớn trước mắt, trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama đã hối thúc các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa hãy gạt sang một bên những đấu đá chính trị để thông qua những dự luật quan trọng đối với đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông cũng thể hiện rõ quyết tâm lớn nhằm thực hiện đến cùng các chương trình nghị sự mà đảng Dân chủ đã đặt ra.
Về đối nội, các đề xuất kinh tế là trọng tâm trong Thông điệp Liên bang năm nay. Nổi bật trong số này là đề xuất tăng thuế với người giàu để hỗ trợ giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Theo đề xuất mới, thuế đánh vào những người giàu có nhất nước Mỹ và các tập đoàn tài chính sẽ tăng từ 23,8% lên 28%. Việc này sẽ đem về cho ngân khố quốc gia thêm khoảng 320 tỷ USD trong 10 năm tới và số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ an sinh xã hội. Với đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, Tổng thống Obama muốn nhấn mạnh rằng đã đến lúc các gia đình Mỹ bình thường sẽ thấy được lợi ích từ quá trình phục hồi kinh tế. Về điểm này, nhiều khả năng những người bảo thủ sẽ phản đối. Phe Cộng hòa cho rằng thuế đánh vào người giàu đã rất cao, đến mức gây cản trở cho giới chủ doanh nghiệp - những người tạo ra công ăn việc làm. Do vậy, họ thiên về biện pháp cho phép các tập đoàn mang tiền kiếm được ở nước ngoài về Mỹ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa phải thừa nhận rằng lá phiếu của các cử tri trung lưu - khối cử tri đông đảo nhất - chính là tấm vé để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Đọc Thông điệp Liên bang trong bối cảnh tình hình an ninh đang "nóng" ở cả hai bờ Đại Tây Dương, người đứng đầu Nhà Trắng đã buộc phải lưu tâm nhiều hơn về vấn đề an ninh cả trong và ngoài nước Mỹ. Ở trong nước, an ninh mạng có lẽ là một trong số các lĩnh vực hiếm hoi mà ông Obama có thể nhận được sự hợp tác của phe Cộng hòa. Sau một số vụ tấn công mạng táo bạo nhằm vào hãng Sony Pictures và tài khoản Twitter của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) quân đội Mỹ, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật mới cho phép chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ dễ dàng chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng.
Liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức khủng bố quốc tế tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội cho phép ông sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết mối đe dọa bắt nguồn từ IS tại Syria và Iraq. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi tiến hành một cuộc chiến tranh quốc tế mới chống lại tội ác tàn bạo của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên theo đuổi các biện pháp ngoại giao. Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu mới đây tại Sydney (Australia) và Paris (Pháp), giới phân tích nhận định đề xuất này cũng nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội.
Chính sách đối ngoại, dù không chiếm nhiều thời lượng trong Thông điệp Liên bang, nhưng cũng hứa hẹn là điểm nóng giữa phe Cộng hòa và vị Tổng thống Dân chủ. Trong Thông điệp năm nay, Tổng thống Obama đã nêu bật các kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Cuba và hối thúc Quốc hội nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận đã lỗi thời nhằm vào quốc đảo này. Việc ông Obama đề cập đến chính sách Cuba đã khiến bài Thông điệp Liên bang lần này không giống bất kỳ bài diễn văn nào trước đây của một người đứng đầu Nhà Trắng. Tổng thống Obama đã dùng hết quyền lực của mình để thúc đẩy việc tháo gỡ cấm vận sau khi hai nước quyết định bình thường hóa quan hệ, nhưng ông đang phải đương đầu với một sự chống đối rất lớn của đảng Cộng hòa tại Quốc hội - những người đã thề sẽ duy trì lệnh cấm vận này.
Bên cạnh vấn đề Cuba, Tổng thống Obama đã kêu gọi Quốc hội không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran, thậm chí dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của Tổng thống trong vấn đề này. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa nhiều khả năng cũng sẽ bỏ ngoài tai lời kêu gọi trên.
Dù trong Thông điệp Liên bang vừa qua, Tổng thống Obama đã đề cập đến các vấn đề gây chia rẽ giữa ông với một Quốc hội lưỡng viện đều do phe Cộng hòa kiểm soát, nhưng có thể thấy tông giọng chủ đạo xuyên suốt trong thông điệp này là khá mềm mỏng và hợp tác. Tổng thống đã dành phần lớn thời lượng để nhắc đến các lĩnh vực mà hai bên có thể thỏa hiệp và nhiều lần nhấn mạnh thiện chí hợp tác với đảng Cộng hòa sau chiến thắng mà họ đã giành được trong cuộc bầu cử mùa thu vừa qua.
Tự đặt cho mình những “bài toán khó” trong hai năm cuối nhiệm kỳ, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ muốn tạo cơ hội để khẳng định quyền lực tổng thống và để lại di sản sau hai nhiệm kỳ làm ông chủ Nhà Trắng. “Đêm nay, chúng ta lật sang một trang mới", Tổng thống Mỹ đã tuyên bố như vậy trong Thông điệp Liên bang. Nếu trong hai năm cuối nhiệm kỳ, ông vượt qua được “cửa ải” sừng sững ở Quốc hội và thực hiện những mục tiêu đề ra, thì người dân Mỹ sẽ tin vào khẩu hiệu “thay đổi” mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử 7 năm về trước. Quan trọng hơn thế, những kế hoạch lớn mà ông đề ra cũng sẽ đặt nền móng cho ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo cao nhất của cường quốc số 1 thế giới sau hai năm nữa.
Bạch Dương