Đóng góp cho dự thảo Hiến pháp, có luồng ý kiến cho rằng, không nên tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) ở một số cấp để bộ máy quản lý nhà nước bớt cồng kềnh. Thực tế đó đặt ra câu hỏi: Việc tổ chức bộ máy chính quyền phải được triển khai như thế nào để có thể lấp khoảng trống khi một số cấp không có HĐND?
Quyền lực của HĐND
Hiện có 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường. Trong quá trình triển khai thí điểm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, song thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải có nhận thức mới về tổ chức chính quyền địa phương, vai trò cũng như tính chất của HĐND.
Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi đô thị chỉ nên có một cấp chính quyền hoàn chỉnh. Trọng Đạt - TTXVN |
Theo GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hiện có hai luồng ý kiến về tính chất của HĐND. Luồng ý kiến thứ nhất tán thành quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vì xuất phát từ việc HĐND là cơ quan do nhân dân ở địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước dân. HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương. Hơn nữa, các Hiến pháp trước đây cũng quy định, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Quy định này không làm cho quyền lực bị phân tán mà góp phần làm cho quyền lực nhà nước được thống nhất.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, không nên quy định tính chất quyền lực nhà nước của HĐND. Lý do là ở cấp địa phương, chính quyền không thể tổ chức theo mối quan hệ ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp như ở cấp Trung ương. Mặt khác, quyền lực nhà nước là thống nhất, mỗi cấp chính quyền không thể là một cấp quyền lực khác nhau. Nếu quy định HĐND là cơ quan quyền lực thì sẽ không thấy được vai trò của UBND.
Lấp khoảng trống bằng cách nào?
Nhìn ở góc độ tổ chức chính quyền đô thị, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học mặt trận (UBTWMTTQ Việt Nam), cho rằng: “Hoạt động của HĐND các cấp quận, phường mang nhiều tính hình thức. Bởi nội dung các vấn đề mà HĐND quyết định không có tính chất riêng biệt mà đều là những vấn đề chung đã được quyết định ở cấp thành phố, thị xã”. Ông Đức cho biết thêm, mệnh lệnh từ chính quyền thành phố, thị xã xuống dưới quận, phường thường bị cắt khúc, triển khai chậm do trong nhiều trường hợp phải được HĐND cấp dưới ra nghị quyết thực hiện. Đó là chưa kể đến trường hợp không thống nhất giữa HĐND và mệnh lệnh của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Do đó, đô thị chỉ nên có một cấp chính quyền hoàn chỉnh, không cần thiết phải chia ra các đơn vị hành chính khác. Cụ thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại mỗi đô thị chỉ là một HĐND.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, khi không tổ chức HĐND thì sự giám sát trực tiếp của HĐND và đại biểu HĐND cùng cấp sẽ không còn. Sự giám sát đó được giao cho cơ quan đại diện và đại biểu cấp trên (Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố, thị xã). Việc cơ quan đại diện cấp trên trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân sẽ chứa đựng rất nhiều nguy cơ. Có cơ sở nào đảm bảo sẽ không xảy ra tham nhũng, quan liêu, không đáp ứng tốt, kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân?
“Để thay thế vai trò giám sát của HĐND thì cần tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp, tự quản, bảo đảm cho nhân dân có khả năng tham gia rộng rãi vào quá trình quản lý nhà nước”, ông Đức kiến nghị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng cường và phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại những cấp bỏ HĐND trong tất cả các khâu từ thành lập, tham gia vào hoạt động và giám sát hoạt động của UBND. Chỉ có như vậy mới phần nào lấp bớt khoảng trống trong việc giám sát các cơ quan hành chính nhà nước khi bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường.
Huyền Tím