Lập điểm đỗ dọc đường cho xe khách

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự kiến ban hành quy định xác lập các điểm dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường cho xe khách, ngoài các bến xe, nhằm tạo thuận lợi cho hành khách, tăng doanh thu cho nhà xe. Bởi thực tế, việc thiếu điểm dừng đỗ khiến nhiều xe đón khách lộn xộn trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

 

Nhìn từ thực tế


Năm 2010, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 14/BGTVT/2010 quy định xe khách chạy tuyến cố định chỉ được đón trả khách tại bến xe hai đầu tuyến, không được đón trả khách dọc đường, với mục đích hạn chế xe vừa chạy vừa đón khách, gây mất an toàn giao thông (ATGT) và tình trạng xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, tình trạng người dân đón xe trên đường vẫn diễn ra phổ biến.


 

Lên xuống xe dọc đường một cách tùy tiện, hành khách phải đối mặt với nguy cơ mất ATGT. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

 

Từ thực tế này, Bộ GTVT vừa hoàn tất dự thảo Thông tư quy định về hoạt động vận tải bằng ô tô, thay thế Thông tư 14. Trong đó, điểm mới nhất của dự thảo là cho phép lập các điểm dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường, ngoài các bến xe. Các điểm này được xây dựng bên ngoài đường xe chạy, đảm bảo diện tích khách đứng chờ, có lối đi bộ, đèn chiếu sáng... Xe khách được dừng đỗ tại mỗi điểm không quá 5 phút và mỗi điểm cách nhau tối thiểu 5 km trong đô thị và 10 km ngoài đô thị. Việc quy hoạch các điểm dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện và công bố trước ngày 30/6/2014. Dự thảo cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách niêm yết lịch trình tuyến xe từ các bến đến các điểm dừng đỗ, giá vé, đường dây nóng, trung tâm quản lý ATGT, gắn “hộp đen”...


Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, tại các bến xe của Hà Nội hiện nay, bất chấp các quy định cấm, biển cấm đặt tại khu vực các bến xe, nhiều xe khách xuất bến từ 6 bến xe của Hà Nội, sau khi ra đường vẫn chạy “rùa bò” để đón thêm khách, chèo kéo khách. Ngoài ra còn có một đội ngũ xe dù, bến cóc hùng hậu cạnh tranh bên ngoài các bến xe. Thực tế này không chỉ gây mất trật tự an ninh, mất ATGT, mà còn gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội.


Tại cuộc họp góp ý kiến sửa đổi Thông tư 14 mới đây, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hoàn thiện dự thảo Thông tư này nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà các quy định quản lý đang gây ra cho doanh nghiệp và hành khách. Thông tư đưa ra các tiêu chí cơ bản để đảm bảo ATGT và phù hợp với đặc điểm đi lại của hành khách.

 

Lập các điểm dừng đỗ hợp lý


Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải và đại diện các hiệp hội vận tải địa phương, việc quy định cho phép xe khách dừng đỗ đón trả khách dọc đường là cần thiết. Từ trước đến nay, các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... xử phạt các hành vi vi phạm chủ yếu là lỗi dừng đỗ đón trả khách sai quy định, nhưng xe khách dừng đỗ là để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho các nhà xe. Bên cạnh đó, việc hành khách lên xuống dọc đường còn đối mặt với nhiều nguy cơ mất ATGT.


Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Điểm dừng đỗ sẽ được xác định dựa trên các tiêu chí như: Đảm bảo ATGT, kết nối tốt với mạng lưới giao thông địa phương, số điểm dừng đỗ được xem xét phù hợp với mỗi tuyến... Đây là giải pháp nhằm chấn chỉnh xe khách dừng đỗ tùy tiện dọc đường hiện nay, đồng thời quản lý tốt hơn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.


Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng: Việc thành lập các điểm dừng đỗ đón trả khách trên tuyến hiện nay là rất cần thiết, nhưng việc đặt biển báo ở vị trí nào, cơ quan nào quản lý cũng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Thực tế, trong các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hệ thống biển báo hiệu các loại đã dày đặc, bây giờ lại thêm biển báo dừng đỗ cho xe khách. Bên cạnh đó, nếu điểm dừng đỗ đặt tại các vị trí hẻo lánh thì cũng không có tác dụng...


Về vấn đề này, theo ông Khuất Việt Hùng, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), trong dự thảo Thông tư mới, quy định chỉ mang tính định hướng, còn các địa phương sẽ tổ chức triển khai trên cơ sở đặc điểm của từng địa phương. Nếu địa phương thấy vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thì không cần lập thêm biển dừng đỗ cho xe khách. Ngược lại, đơn cử như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, nhiều người dân ở các làng, xã, thị tứ dọc QL5 có nhu cầu đi lại, thì cần lập các điểm, biển cắm dừng đỗ đón trả khách... Do đó, mục tiêu hàng đầu của dự thảo Thông tư mới là phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân; đưa hoạt động vận tải hành khách vào quy củ, có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức giao thông.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN