Bên cạnh việc đưa giống cây mới cho năng suất chất lượng cao vào trồng tập trung như: Chuối, dứa, chè, quýt, ngô; các huyện nghèo ở Lào Cai còn tập trung khôi phục lại giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao và cây lê đang là hy vọng thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào.
Cán bộ khuyến nông xã xuống giúp các hộ trồng lê kỹ thuật vin cành. |
Theo thiếu tá Phạm Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, xã Pha Long (huyện Mường Khương) là một trong nhiều xã của huyện thường xuyên bị khô hạn, việc trồng ngô, lúa phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nên lúa ngô làm ra chỉ đủ để ăn và chăn nuôi. Vì thế, đồng bào khó có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. “Nhận thấy cây lê bản địa có thể chịu được khô hạn, lại có giá trị kinh tế cao, nên năm 2013, Đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động bà con khôi phục được gần chục hecta lê. Bên cạnh đó, vận động đồng bào phát triển cây hồi thay thế những cây trồng kém hiệu quả”, thiếu tá Mạnh cho biết.
“Khôi phục cây lê ở Mường Khương mới chỉ bắt đầu, hy vọng nó sẽ tiếp tục là cây trồng giúp đồng bào làm giàu. Còn nếu nhà báo muốn tìm hiểu cây lê phát triển và cho thu nhập ra sao thì phải sang huyện Si Ma Cai, đặc biệt là huyện Bát Xát”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Phạm Bá Uyên, bật mí với chúng tôi.
Sớm hôm sau, khi trời, đất Mường Khương còn mù sương và điểm thêm chút mưa bụi, anh lái xe bên Huyện ủy đã bấm còi gọi. “Thời tiết này phải đến trưa mới sang đến Si (cách gọi trìu mến của những người đã hiểu và biết huyện Si Ma Cai) đấy”, anh thông báo khi chúng tôi vừa vào xe.
Quả đúng vậy, sau 5 giờ đồng hồ vượt hơn 80 km đường cua tay áo, có đoạn sương mù dày, xe chỉ đi được 5km/giờ, đến 11 giờ, chúng tôi cũng đến “Si”.
Biết mục đích của tôi, anh Thào Seo Lừ, Phó Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Si Ma Cai, giới thiệu ngay: “Tôi sẽ đưa anh đi xã Quan Thần Sán, đó là cái nôi của mô hình trồng lê ở huyện. Hàng chục nghìn gốc lê đã được đồng bào trồng cách nay hơn 3 năm trước, dưới sự hỗ trợ về giống, phân bón từ chính sách của Nhà nước”.
Ngồi trên xe, anh Lừ cho biết: “Xã Quan Thần Sán chỉ cách huyện hơn 10 km, 2 năm trước khi chưa được mở đường, bà con phải đi bộ mất mấy tiếng đồng hồ, giờ có đường nông thôn mới ô tô, xe máy đi chỉ mất 20 phút thôi”.
Trời vẫn mù và mưa bắt đầu nặng hạt hơn, nhưng nhìn mọi người ở đây ai cũng vui, bởi mấy tháng nay trời không mưa, ruộng nương đang chờ “nước trời”. Dẫn chúng tôi đến hộ Tráng Chín Liềng, Khuyến nông viên Ly Seo Dơ cho biết, xã tập trung trồng lê ở hai thôn Lao Chải và bản Phìn. Tráng Chín Liềng là hộ gia đình trẻ, mới 22 tuổi, nhưng đã nhận trồng 800 gốc lê, nhiều nhất xã.
Sau hơn 3 năm chăm sóc, đồi lê của Liềng có cây đã cao gấp 2 lần chủ của nó và một phần tư đã cho những trái non đầu. “Trung bình một cây năm đầu tiên ra trái cũng được khoảng 8 kg, những năm sau sẽ cho trái nhiều hơn, có thể là gấp đôi và cứ thế, cây càng to thì cho càng nhiều quả hơn. Với giá 18.000 đồng/kg tại vườn, năm nay em cũng thu đủ số vốn đối ứng đầu tư giống cây và phân bón khoảng 20 triệu đồng hơn 3 năm qua”, Liềng nhẩm tính.
“Cây lê là cây trồng bản địa, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, nên quả rất thơm, ngon, giá trị kinh tế lại cao. Việc đưa mô hình trồng lê, khôi phục giống cây địa phương trở thành cây trồng hàng hóa sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đường ô tô đã đi đến được tất cả các bản trong xã, nên không lo bị tư thương ép giá. Song song với việc phát triển và mở rộng diện tích cây lê, xã cũng đang xây dựng mô hình trồng mận tả van và mận hậu, vốn cũng là thế mạnh của địa phương, đồng thời phát triển mô hình chăn nuôi vịt Sín Chéng để lấy trứng và phát triển đàn gia súc”, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, Vũ Văn Sơn cho biết.
Bài và ảnh: Trọng Thủy