Chương trình nghệ thuật trong đêm hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 2018. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Nhiều mô hình sáng tạo
Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ - TTg về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” với mục tiêu tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Theo Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 10 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Cụ thể, phối hợp với các địa phương tổ chức chuỗi các hoạt động với hơn 31 nhóm hoạt động phong phú, đặc sắc, với sự tham gia của hơn 4.800 đồng bào của 54 dân tộc thuộc 63 tỉnh/thành. Trong đó, tái hiện hơn 20 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trưng bày, triển lãm; các hoạt động dân ca, dân vũ, thể thao dân tộc, giao lưu, trình diễn với nhiều chủ đề ấn tượng, thiết thực.
Đơn cử, tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; tổ chức hội nghị nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản với chủ đề “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với việc hiểu biết và giao lưu giữa các dân tộc”; tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung; Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao, Thái, Mường, Mông, Chăm, Khmer...; tổ chức Festival Thanh niên các dân tộc Việt Nam; giao lưu văn hóa nghệ thuật các dân tộc với chủ đề “Sắc màu tuổi trẻ - Sắc màu đoàn kết”; tổ chức hội thảo “Thanh niên tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống”... Đặc biệt, tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm, sơ kết 5 năm về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, nhằm đánh giá và có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp trong việc thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với tình hình chung của đất nước.
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc, hàng tháng đều có đại diện cộng đồng các dân tộc đến hoạt động luân phiên định kỳ tại làng, tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống, trình diễn dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian...
Tại các địa phương trên cả nước, việc triển khai thực hiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ.
Tại Tuyên Quang, nơi tập trung 22 dân tộc thiểu số, tỉnh chú trọng phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Đến nay, Tuyên Quang có 141 đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thị trấn; 2.494 tổ, đội văn nghệ thôn, bản, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang; trên 50 câu lạc bộ đàn và hát dân ca; trên 70 câu lạc bộ hát Then đàn tính; 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan...
10 năm qua, tỉnh Lai Châu cũng tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu như: Thái, Mông, La Hủ, Si La, Cống, Mảng, Lào, Lự, Dao, Hà Nhì... tại Làng Văn hóa - Du lich các dân tộc Việt Nam. Trong đó, nhiều nghi thức sinh hoạt văn hóa được tái hiện như: “Nghi thức đón năm mới" của người Thái trắng; “Tết Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì; “Cúng rừng” của người Lự, La Hủ, Dao; “Lên nhà mới” của người Mảng; “Lễ đón dâu” của người Si La... Bên cạnh đó, để bảo tồn văn hóa, nghệ thuật của đồng bào, Lai Châu còn tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, hát giao duyên, sử dụng nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Mông, Lự, Thái...
Trình diễn những điệu múa truyền thống của đồng bào Thái (Mộc Châu, Sơn La) tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà/TTXVN |
Tại Lào Cai, bên cạnh việc tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc thường niên, định kỳ, Lào Cai tích cực thực hiện trên 6.000 buổi thông tin lưu động, gần 7.000 buổi chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào, mỗi năm có khoảng 50 lễ hội của đồng bào các dân tộc được tổ chức tích cực đưa các đoàn nghệ nhân và bà con dân tộc tham gia các ngày hội văn hóa trên cả nước... Sở VHTTDL Lào Cai đã xuất bản 5 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về người Dao; 60 đề tài nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian; chỉ đạo thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc giai đoạn 2011 - 2015" và Đề án “ Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”...
Tại khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum... cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại địa phương, hưởng ứng các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hàng năm tỉnh Đắk Lắk đều cử các đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tái hiện nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Lễ cúng nhà mới của dân tộc Êđê và Lễ mừng mùa của dân tộc M’ nông; tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ dân gian với các dân tộc Chăm, Choro...; đưa các nghệ nhân đi tham gia Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc, Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đà Lạt; tổ chức Ngày hội buôn làng “Âm vang đại ngàn”, với sự tham gia của các dân tộc đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Buôn Đôn (định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần); Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc Êđê, thành phố Buôn Ma Thuột...
Tại các tỉnh khu vực phía Nam như Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang... hàng năm, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội, các ngày hội văn hóa tại địa phương như tết Chol Chnam Thmây của đồng bào Khmer, lễ hội Ok - om - bok, lễ hội Roya của dân tộc Chăm, Ngày hội văn hóa đồng bào dân tộc Chăm toàn quốc, Ngày hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, Ngày hội văn hóa nghệ thuật các tỉnh biên giới Việt Nam - Campchia... các tỉnh còn đưa các đoàn nghệ nhân Chăm, Khmer, Hoa... tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa, giao lưu nghệ thuật tại các lễ hội, các ngày hội văn hóa trên toàn quốc...
Bên cạnh các hoạt động về Ngày Văn hóa các dân tộc, Bộ VHTTDL cũng phối hợp với các địa phương tổ chức phục dựng hàng trăm lễ hội truyền thống đang có nguy cơ mai một, tổ chức mở các lớp, mời các nghệ nhân truyền dạy tiếng nói, chữ viết, truyền dạy các điệu dân ca, dân vũ... cho đồng bào.
Đánh giá về kết quả đáng khích lệ sau 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định: Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được triển khai tạo được hiệu ứng và hiệu quả sâu rộng, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của các ban, ngành từ Trung ương tới địa phương về bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay. Cũng theo bà Trịnh Thị Thủy, thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, Ngày Văn hóa các dân tộc đã tạo không khí phấn khởi, tạo điều kiện cho các dân tộc giao lưu, học hỏi, nâng cao nhận thức về giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình... Từ đó, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá dưới nhiều hình thức tạo nhiều động lực thúc đẩy phát triển xã hội.
Trình diễn nghệ thuật của đồng bào Ba Na tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1668/QĐ - TTg của Chính phủ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), một trong những khó khăn khi triển khai Quyết định là sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đôi khi thiếu đồng bộ. Nhiều chương trình được thực hiện lồng ghép nhưng khó thực hiện, hiệu quả chưa cao. Một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn coi nhẹ vị trí, vai trò của công tác văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, việc đưa thông tin về các hoạt động văn hóa đến với đồng bào, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chưa tốt. Trong khi đó, một số nơi vẫn còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, tình trạng du canh di cư còn diễn biến phức tạp. Các hủ tục, mê tín, dị đoan của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chưa loại bỏ được hoàn toàn, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí ở vùng đồng bào các dân tộc chưa đạt hiệu quả...
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, một trong những khó khăn nữa trong việc triển khai thực hiện Quyết định, là việc tôn vinh, khen thưởng để động viên, khích lệ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc chưa được kịp thời, thường xuyên. Kinh phí dành cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như đầu tư cơ sở vật chất phát triển các thiết chế văn hóa nói chung, kinh phí để thực hiện các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại các đơn vị, địa phương còn hạn chế. Việc huy động các nguồn hỗ trợ khác để tổ chức các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cấp cơ sở vùng dân tộc thiểu số vừa thiếu, vừa yếu, đa phần làm công tác kiêm nghiệm, chưa được đào tạo chuyên môn, chưa thực sự am hiểu về về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số nên khó đáp ứng công tác văn hóa dân tộc trong tình hình mới, chế độ dành cho cán bộ văn hóa cấp thôn, bản quá thấp. Tại một số địa phương, sự quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý văn hóa cấp cơ sở còn nhiều lúng túng, bất cập. Việc tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng bị sân khấu hóa, do đó, bản sắc nguyên gốc bị hạn chế và dần mai một...
Tiếp tục khơi dậy niềm tự hào
Đại diện Vụ Văn hóa dân tộc khẳng định, sau 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc đã có ý thức sâu sắc về việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thông qua các hoạt động văn hóa này, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, qua đó tuyên truyền, vận động làm cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Chương trình khung của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá nhằm khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trên cả nước. Trong đó, thực hiện các chương trình, dự án, đề án để các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trở thành tài sản của từng dân tộc, từng địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, qua đó ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Đại diện một số địa phương cho rằng, cần xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để tôn vinh, chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, khuyến khích phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống, tăng cường biểu dương những hạt nhân trong hoạt động văn hóa của các dân tộc, tập trung vào văn hóa ở cơ sở, các già làng, trưởng bản, nhân sỹ, trí thức, nghệ nhân, cá nhân, tập thể tiêu biểu, động viên cổ vũ sáng tạo văn học, nghệ thuật. Có chính sách ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nghệ nhân, người có uy tín có cơ hội được thực hành truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cho các thế hệ sau, đồng thời bổ sung kinh phí cho địa phương tổ chức các hoạt động. Trong công tác chỉ đạo tổ chức hoạt động ở các cấp cần phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của bà con các dân tộc ở cơ sở, phải tôn trọng phong tục tập quán của các dân tộc, thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia và khơi dậy, phát huy giá trị truyền thống của các lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào.
* Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk: Đa dạng lễ hội, hội diễn Tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hội thi hội diễn, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Buôn Đôn (định kỳ 2 năm/lần); Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc Êđê, thành phố Buôn Ma Thuột; Diễn tấu cồng chiêng, người đẹp và trang phục dân tộc và các môn thi về thể thao như: kéo co, đấy gậy, đi cà kheo… Định kỳ hàng năm, tại một số buôn, làng còn tổ chức mọt số nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ cúng mừng mùa của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Krông Ana; Lễ cúng bến nước của dân tộc Êđê ở buôn Ea H’ning; Hội voi Bản Đôn, huyện Buôn Đôn; nghỉ lễ cúng cầu mưa buôn Ea Nhái và nhiều lễ hội khác góp phần củng cố tình đoàn kết gắn bó giữa các buôn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở địa phương. * Ông Trần Quốc Oanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn: Cần quan tâm các nghệ nhân Cái được nhiều nhất trong 10 năm thực hiện Quyết định của Chính phủ là nhận thức của đồng bào được nâng lên rất nhiều. Trước đây bà con chưa biết đến Ngày Văn hóa các dân tộc, nhưng giờ hỏi thì nhiều bà con biết và rất tự hào, vì có một ngày chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách quan tâm, đi sâu đi sát nhiều hơn tới đồng bào, đặc biệt là các nghệ nhân có công trong truyền dạy những giá trị tinh hoa của dân tộc. * Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tuyên truyền mạnh hơn nữa Tôi đã tham gia nhiều lần Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Tôi thấy, cần tuyên truyền về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tới tận bà con dân bản, để Ngày hội không chỉ là ở các cơ quan, ban, ngành mà lan tỏa tới mọi miền Tổ quốc. Đây là việc làm rất quan trọng để bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, tôn vinh. Phương Hà (ghi) |